ClockThứ Bảy, 02/07/2016 09:49

Thực phẩm biến đổi gen lại nóng

Giới khoa học và các nhà môi trường tiếp tục khẩu chiến nảy lửa xung quanh vấn đề an toàn của công nghệ biến đổi gen sinh vật (GMO).

Một quảng cáo chống thực phẩm biến đổi gen thể hiện tại bến tàu điện ngầm ở Paris . Ảnh: AFP

“Chúng tôi là nhà khoa học. Chúng tôi hiểu logic của khoa học. Dễ thấy những gì Tổ chức Greenpeace đang làm là phá hoại và phản khoa học

Richard Roberts (nhà khoa học Anh, đồng đoạt giải Nobel y học năm 1993 cùng nhà khoa học Mỹ Phillip Sharp)

Theo báo USA Today, 107 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel mới đây đồng ký tên vào một lá thư chỉ trích Tổ chức môi trường Hòa bình xanh (Greenpeace) vì quan điểm phản đối cây lương thực biến đổi gen của nhóm này.

Lá thư yêu cầu cụ thể Hòa bình xanh phải ngưng chiến dịch vận động chống phổ biến một loại gạo GMO gọi là Golden Rice - phát minh của hai nhà sinh học Ingo Potrykus và Peter Beyer (1999), vốn được quảng bá tạo ra nhiều tiền chất vitamin A giúp chống bệnh tật và suy dinh dưỡng ở các quốc gia đang phát triển thuộc châu Phi và châu Á.

Không ai nhường ai

“Chúng tôi kêu gọi Hòa bình xanh và những người ủng hộ xem xét lại trải nghiệm của nông dân và người tiêu dùng khắp thế giới với cây lương thực và thực phẩm cải tiến nhờ công nghệ sinh học; công nhận phát minh của các cơ quan khoa học và thẩm định có uy tín; từ bỏ chiến dịch vận động chống GMO nói chung và gạo Golden Rice nói riêng”.

Đó là nội dung lá thư của các chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực gửi đến Tổ chức Hòa bình xanh, Liên Hiệp Quốc và các chính phủ khắp thế giới.

Theo Christian Science Monitor, lý do giới khoa học chọn Goldren Rice có thể do tính tương đồng giữa sản phẩm này với các giải pháp tiềm năng đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Loại gạo này đã được thay đổi gen để mang thêm chất beta carotene, chất này vào cơ thể người sẽ chuyển hóa thành vitamin A.

Tổ chức Y tế thế giới thống kê có khoảng 250 triệu trẻ em trước độ tuổi đến trường bị thiếu vitamin A, tình trạng có thể dẫn đến mù lòa hoặc tử vong vì hệ miễn dịch kém phát triển.

Tổ chức Hòa bình xanh phản hồi lại bằng một thông cáo phát đi từ Manila (Philippines) ngày 
30/6, trong đó khẳng định “giải pháp bảo đảm duy nhất chống suy dinh dưỡng là một chế độ ăn phong phú và lành mạnh”.

“Thí nghiệm tốn kém này đã không tạo ra kết quả nào trong 20 năm qua và phân tán sự chú ý khỏi các phương pháp hiệu quả khác” - bà Wilhelmina Pelegrina thuộc Hòa bình xanh Đông Nam Á nhận xét.

Tổ chức này có lý lẽ của họ vì kể từ lần đầu được giới thiệu năm 1999, Golden Rice đến nay vẫn trong giai đoạn trồng thử nghiệm ở Bangladesh và Philippines.

Ông Richard Roberts - trưởng nhóm khoa học thuộc New England Biolabs, người đứng ra thu thập chữ ký cho lá thư của các nhà khoa học đoạt giải Nobel - trong cuộc họp báo ở Washington ngày 30/6 cho biết ông muốn phản ứng trước các thông tin từ đồng nghiệp rằng hoạt động nghiên cứu gen của họ bị cản trở bởi phong trào chống GMO.

“Những gì Hòa bình xanh đang làm là phá hoại và phản khoa học” - ông Roberts khẳng định.

“Vấn đề thật sự ở đây là tại sao họ lại tổ chức họp báo ở Washington chỉ cách một tuần trước khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu về dán nhãn GMO? 

Charlie Cray (nhà nghiên cứu của Tổ chức Greenpeace)

Thế giới không có GMO?

Bức thư của các chủ nhân giải Nobel dẫn chứng số liệu của Liên Hiệp Quốc rằng sản lượng “thực phẩm, thức ăn và sợi” sẽ phải tăng gấp đôi vào năm 2050 mới đáp ứng nổi nhu cầu của thế giới. Trong khi diện tích đất trồng trọt không tăng (nếu may mắn không giảm), dân số thì ngày càng đông... GMO là một giải pháp cho những thách thức đó - theo giới khoa học.

Thực tế, ngày nay ngành nông nghiệp Mỹ sử dụng khoảng 100 loại cây trồng biến đổi gen và hầu hết cây bông vải trồng ở Ấn Độ, Trung Quốc cũng như các giống đậu nành và bắp thế giới đang trồng cũng là biến đổi gen.

Theo tạp chí National Geographic, GMO hẳn không phải là một giải pháp hoàn hảo, đây đó nó cũng tạo ra những rắc rối, ví dụ khiến nhiều giống cỏ dại trở nên kháng thuốc hơn (theo nghiên cứu của Viện Khoa học quốc gia Mỹ), bên cạnh đó tâm lý chung của công chúng về GMO vẫn còn khá kiêng dè, gây khó khăn cho việc tiêu thụ.

Nhưng nếu GMO biến mất hoàn toàn khỏi bức tranh nông nghiệp thế giới, chúng ta sẽ không có được rau củ chứa chất chống ung thư, giống bắp chống hạn hán, đậu phộng không gây dị ứng hoặc giống chuối có thể tạo ra văcxin...

Ngày nay, công nghệ GMO đang mang nhiều sứ mệnh khác nhau, có thể liệt kê nỗ lực cứu giống cam trồng ở bang Florida (Mỹ) khỏi một loại virút làm chết cây hay tạo ra giống gà kháng cúm gia cầm ở Anh.

Trước “nguy cơ” 9 tỉ người chen chúc trên hành tinh vào năm 2050, nhiều công trình tương tự trong lĩnh vực nuôi trồng đang diễn ra, chẳng hạn các nhà khoa học muốn nuôi tôm bằng vi khuẩn cấy trong phòng thí nghiệm thay vì đánh bắt cá trong tự nhiên làm thức ăn.

Năm ngoái, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ thông qua một giống cá hồi biến đổi gen giúp lớn nhanh hơn...

Nhưng Hòa bình xanh sẽ không thay đổi quan điểm của họ, các nhà khoa học cũng thế.

Dùng nhưng quản rất kỹ

Hiện có khoảng 100 quốc gia cho phép tiêu thụ thực phẩm biến đổi gen (trong khi chỉ có 29 quốc gia cho phép trồng cây biến đổi gen) nhưng kèm theo những quy định về dán nhãn và quản lý chặt chẽ.

Tháng 12/2015, liên bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Khoa học và công nghệ ban hành thông tư liên tịch (hiệu lực thi hành từ ngày 8/1/2016) hướng dẫn ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn.

Thông tư này hướng dẫn ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn buôn bán tại Việt Nam có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thực phẩm.

Thực phẩm biến đổi gen đã có nhãn hàng hóa không phù hợp với quy định của thông tư này không được phép tiếp tục sản xuất và nhập khẩu sau ngày 8/1/2017.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cử tri đề nghị tăng mức xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng

Sáng 12/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Phiên chất vất và trả lời chất vấn được đông đảo cử tri, nhân dân thành phố Đà Nẵng, tỉnh Ninh Thuận quan tâm theo dõi.

Cử tri đề nghị tăng mức xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng
Hướng dẫn 300 bà mẹ thực hành dinh dưỡng

Ngày 7/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh tổ chức lớp tập huấn tại xã Hương Nguyên (A Lưới) về hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ, thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú dưới 2 tuổi.

Hướng dẫn 300 bà mẹ thực hành dinh dưỡng
Tránh thất thoát và lãng phí thực phẩm

Lãng phí và thất thoát thực phẩm đang xảy ra ở cấp độ toàn diện, đe dọa đến tình hình an ninh lương thực, cũng như gây đói nghèo ở nhiều nơi trên thế giới. Ngày quốc tế nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm (29/9) năm nay với chủ đề "Hãy dừng lãng phí thực phẩm! Vì con người và hành tinh".

Tránh thất thoát và lãng phí thực phẩm
Thông tin doanh nghiệp:
Băng Tải Thực Phẩm: Giải Pháp Hiệu Quả Cho Ngành Công Nghiệp

Băng tải thực phẩm là một công cụ không thể thiếu trong các nhà máy sản xuất thực phẩm hiện đại. Việc đầu tư vào hệ thống băng tải chất lượng cao sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường.

Băng Tải Thực Phẩm Giải Pháp Hiệu Quả Cho Ngành Công Nghiệp
“Săn” thực phẩm quê

Thời gian gần đây, nhiều người cho rằng các thực phẩm “quà quê” sạch, không sử dụng hóa chất nên tin dùng, đặt mua ngày càng nhiều thay vì thường đến các chợ, siêu thị…

“Săn” thực phẩm quê

TIN MỚI

Return to top