|
Bác sĩ Kassoum Nacro thuộc nhóm nghiên cứu và một chai ETC-206 - Ảnh: AAmediacorp |
Thuốc ETC-206 là sản phẩm do nhóm nghiên cứu thuộc Trường Y khoa thuộc ĐH Quốc gia Singapore - Duke (NUS-Duke), đơn vị Phát triển và Sáng chế Thuốc thuộc Viện Nghiên cứu, Công nghệ và Khoa học Singapore (A*STAR) và Trung tâm Chữa bệnh Thực nghiệm (ETC) bào chế tại Singapore.
ETC-206 có khả năng giảm tỉ lệ tử vong vì bệnh bạch cầu xuống thấp hơn so với phương pháp hóa trị truyền thống vốn tấn công cả hệ thống miễn dịch lẫn các tế bào ung thư.
Trong thông báo ngày 9/3, nhóm nghiên cứu cho biết thêm rằng thuốc này cũng có thể dùng để giảm hoặc loại trừ các tác dụng phụ tiềm năng của các phương pháp điều trị ung thư khác khi kết hợp chung với nhau.
ETC-206 đặc biệt có thể ức chế enzym Mnk trong các tế bào ung thư. Enzym Mnk co tác dụng thúc đẩy sự tăng trưởng tế bào. Do vậy nếu có thể ức chế loại enzym này thì có thể ngăn chặn sự lây lan và phát triển của bệnh ung thư.
Giáo sư Ong Sin Tiong trong nhóm nghiên cứu ví von các tế bào ung thư như những chiếc xe đang chạy quá tốc độ và có nguy cơ gây tai nạn.
"Cứ hình dung thế này: có rất nhiều cách để ngăn một chiếc xe đang chạy vượt ngoài tầm kiểm soát" - ông Ong cho biết.
Nhóm nghiên cứu cho rằng enzym Mnk đóng vai trò quan trọng để ngăn các tế bào ung thư phát triển. "Do đó loại thuốc chúng tôi phát triển với ETC đặc biệt tấn công vào nó để... chiếc xe có thể tìm được điểm dừng".
Thuốc ETC-206, theo đài Channel NewsAsia, đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên 34 tình nguyện viên khỏe mạnh.
Kết quả cho đến ngày hôm nay cho thấy cơ thể con người có thể thích ứng tốt với loại thuốc này qua đường uống.
Các thông tin trong thử nghiệm lâm sàng sẽ giúp nhóm nghiên cứu đánh giá được sự an toàn và hiệu quả của thuốc trên cơ thể con người.
Giai đoạn 2 của thử nghiệm sẽ bắt đầu vào tháng 8 trên những bệnh nhân bạch cầu giai đoạn muộn.
Ung thư vẫn là một trong những nguyên nhân gây chết người hàng đầu tại Singapore. Số người chết vì ung thư chiếm khoảng 30% tổng số người chết ở Singapore năm 2015.
Theo Tuổi trẻ