ClockThứ Bảy, 02/03/2019 08:23

Thượng đỉnh ở Hà Nội: Bước đệm quan trọng cho quan hệ Mỹ-Triều

Không đạt được thỏa thuận ở Hà Nội không phải là thất bại mà là một bước đệm quan trọng cho tương lai quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.

Việt Nam - Người hòa giải trung lập tốt trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - TriềuKCNA: Triều Tiên khẳng định sẽ tiếp tục đối thoại với MỹTổng thống Hàn Quốc: Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội đạt tiến bộ “có ý nghĩa”

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tái hiện cái bắt tay lịch sử vào tối 27/2 tại Hà Nội, và có bữa tối thân mật cùng nhau sau đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên dùng bữa tối cùng nhau ngày 27/2 tại Hà Nội. Ảnh: Washington Post

Hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp 1-1 sáng 28/2, kéo dài khoảng 40 phút, sau đó cùng nhau đi bộ trong khuôn viên khách sạn Metropole để tiến về phía phòng họp chung cùng các trợ lý và cố vấn của mình.

Báo chí được thông báo hai bên dự kiến có bữa trưa làm việc và sau đó có thể sẽ ký một thỏa thuận vào lúc 14h chiều 28/2. Tuy nhiên, đã có sự thay đổi lịch trình. Cuộc họp mở rộng kéo dài hơn dự kiến, bữa trưa và cả lễ ký thỏa thuận bị hủy. Sau đó, Tổng thống Trump về khách sạn và tiến hành họp báo sớm hơn dự kiến.

Trước truyền thông, Tổng thống Trump nói rằng, hai bên không đạt được thỏa thuận là vì không thống nhất trong việc dỡ bỏ trừng phạt. Trong cuộc họp báo lúc nửa đêm 28/2, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-Ho cũng thông báo lý do 2 bên không đạt được thỏa thuận là vì các biện pháp trừng phạt.

Kết quả không quá bất ngờ

Việc hai bên không đạt được thỏa thuận có vẻ khiến dư luận bất ngờ, nhưng đó là kết quả thực tế. Trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức sáng 28/2, Tổng thống Trump đã cố gắng hạ bớt kỳ vọng của những người đang theo dõi cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với lãnh đạo Triều Tiên khi nói rằng, ông không vội vàng đạt được một thỏa thuận về phi hạt nhân hóa.

Thậm chí, trong cuộc họp báo chiều 28/2, Tổng thống Trump cũng khẳng định rằng, dù không đạt được thỏa thuận, nhưng bầu không khí khi ông rời khỏi phòng hội nghị với nhà lãnh đạo Triều Tiên là rất tích cực, rất hữu nghị.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sander cũng đăng tải trên Instagram bức ảnh Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tươi cười với Tổng thống Mỹ, kèm theo thông báo “Tổng thống Trump chào tạm biệt Chủ tịch Kim khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội”.

Ảnh chụp màn hình trên Instagram của bà Sarah Sander. 

Trong khi đó, truyền thông Triều Tiên sáng 1/3 đã có những bài báo đánh giá tích cực về cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 này.

Tờ Rodong Sinmun đăng tải bài viết khá dài cùng 13 bức ảnh về các cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo trong ngày 27-28/2 tại Hà Nội. “Chủ tịch Kim Jong-un bày tỏ lời cám ơn Tổng thống Trump vì đã có những nỗ lực tích cực cho cuộc gặp và các cuộc đối thoại thành công… hứa hẹn về cuộc gặp tiếp theo”.

“Đây là cơ hội có ý nghĩa để phát triển quan hệ Triều Tiên-Mỹ, đóng góp cho hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, khu vực và thế giới”, báo này viết.

Trang nhất của Rodong Sinmun đăng tải 4 bức ảnh về cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo cùng bữa tối ngày 27/2, trong khi trang 2 đăng tải các bức ảnh Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Trump đi bộ trong khuôn viên khách sạn cùng hình ảnh cuộc họp với các trợ lý. Tất cả các bức ảnh này dường như đã được lựa chọn rất kỹ lưỡng để có thể lột tả được cuộc gặp theo cách tích cực nhất.

Hình ảnh tờ Rodong Sinmun đăng tải bài viết kèm các bức ảnh về cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Nguồn: Yonhap

KCNA nhận định, đã có “tiến bộ đáng kể” trên nhiều khía cạnh kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên. Hai nhà lãnh đạo đã “có cuộc trao đổi mang tính xây dựng và thẳng thắn” trong các cuộc gặp ở Việt Nam. Đây là “cơ hội quan trọng để Mỹ và Triều Tiên xây dựng sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, đồng thời đặt mối quan hệ giữa 2 nước sang một trang mới”, bài báo KCNA nêu rõ.

Sẽ tiếp tục đối thoại

Bài báo trên KCNA nhấn mạnh, hai nhà lãnh đạo “đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ với nhau về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên” và phát triển hơn nữa quan hệ giữa 2 nước. Hai bên cũng sẽ “tiếp tục các cuộc đối thoại mang tính xây dựng để giải quyết những vấn đề đã thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội”.

Các bài báo không đi vào chi tiết hai bên không đạt được thỏa thuận về phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ trừng phạt, cũng như hoàn toàn không nêu việc bữa trưa và sự kiện ký thỏa thuận theo dự kiến đã bị hủy.

Theo các chuyên gia về vấn đề Triều Tiên, việc truyền thông nhà nước Triều Tiên đánh giá tích cực về cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 là một động thái lạc quan. Điều này cho thấy, Triều Tiên sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ.

Trong cuộc họp báo chiều 28/2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh rằng, ông tin tưởng các cuộc đối thoại sẽ trở lại trong tương lai gần. Dù chưa đặt ra thời điểm cụ thể nhưng ông hy vọng Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun và các đối tác Triều Tiên sẽ gặp nhau “trước khi quá lâu”.

Bước đệm cho tương lai

Đến cuối năm 2017, dư luận thế giới vẫn còn chứng kiến các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Những diễn biến tích cực chỉ mới bắt đầu từ đầu năm 2018, khi Triều Tiên bày tỏ sẵn sàng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Một số báo chí phương Tây hoài nghi khi Triều Tiên nói về việc phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, thực tế những gì nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã làm, cho thấy thiện chí rõ ràng. Tháng 5/2018, Triều Tiên thậm chí đã mời các phóng viên nước ngoài tới chứng kiến sự kiện đóng cửa bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri. Đây là điều chưa từng có tiền lệ.

Tháng 6/2018 ở Singapore, ông Trump là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp gỡ một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Cuộc gặp còn được đánh giá là “lịch sử”.

Cần phải nhắc lại rằng, Mỹ và Triều Tiên từng là đối thủ kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên đầu những năm 1950. Sau hơn 60 năm thù địch, việc mong đợi Mỹ và Triều Tiên có thể đạt thỏa thuận về phi hạt nhân hóa, thậm chí Tuyên bố kết thúc chiến tranh chỉ sau 2 cuộc gặp thượng đỉnh (cách nhau chưa đến 9 tháng) là điều không thực tế.

Như Tổng thống Trump khẳng định trong cuộc họp báo rằng, bầu không khí khi ông rời khỏi phòng hội nghị là rất tích cực, rất hữu nghị. Và ông muốn làm đúng chứ không phải làm nhanh.

Điều này khẳng định, cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên ngày 27-28/2 là một bước tiến trong quan hệ Mỹ-Triều. Nếu như cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên mở ra kỳ vọng về một mối quan hệ mới giữa hai nước, thì cuộc gặp lần thứ 2 này là một bước đi tiếp theo để hướng tới việc hiện thực hóa kỳ vọng đó./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Hàng nghìn cơ hội việc làm công nhân đóng gói tại Hà Nội

Tuyển công nhân đóng gói tại Hà Nội đang thu hút sự chú ý của người lao động, với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Trong bối cảnh nhu cầu sản xuất ngày càng tăng, các doanh nghiệp cần bổ sung hàng ngàn lực lượng lao động để đáp ứng yêu cầu thị trường. Dưới đây là thông tin chi tiết về cơ hội việc làm công nhân đóng gói tại thủ đô

Hàng nghìn cơ hội việc làm công nhân đóng gói tại Hà Nội
Tình yêu Hà Nội của một người Huế

Tôi cầm trên tay tập thơ Phở bia hơi và lời yêu Hà Nội của tác giả Nguyễn Duy Tờ trong những ngày lòng ngập tràn nhớ nhung Hà Nội - nỗi nhớ của một người Huế trót yêu vùng đất Hà thành và mùa thu chốn ấy.

Tình yêu Hà Nội của một người Huế
Bầu cử Mỹ 2024 qua những con số

Ngày 5/11, bầu cử Mỹ chính thức diễn ra, trong đó cử tri sẽ bầu cho 2 ứng cử viên, gồm ứng cử viên Đảng Dân chủ là Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và ứng cử viên Đảng Cộng hòa là Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc cạnh tranh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Mỹ nói riêng và phần còn lại của thế giới nói chung.

Bầu cử Mỹ 2024 qua những con số

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
  • Mua nệm online giá rẻ
Return to top