Cây được tưới nước trong bối cảnh hạn hán và sóng nhiệt tiếp tục diễn ra ở thành phố Bochum, Đức ngày 31/7. Ảnh: Reuters
Tử vong do sóng nhiệt có thể tăng lên đáng kể ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, tiếp ngay sau đó là Australia, khu vực châu Âu và Mỹ.
Kết quả của nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí PLOS Medicine cho thấy, các chính sách giảm thiểu nghiêm ngặt hơn nên được áp dụng để giảm phát thải khí nhà kính, bởi lượng phát thải khí nhà kính thấp hơn có liên quan đến ít trường hợp tử vong hơn do sóng nhiệt.
Ông Antonio Gasparrini, một chuyên gia đến từ Trường Y học Nhiệt đới & Vệ sinh dịch tễ London, người đồng dẫn đầu nghiên cứu này lưu ý, một số quốc gia trên thế giới hiện đang bị ảnh hưởng bởi sóng nhiệt gây ra các trường hợp tử vong, "rất có khả năng" tần suất và mức độ nghiêm trọng của sóng nhiệt sẽ tăng lên do biến đổi khí hậu.
"Tuy nhiên, tin tốt là nếu chúng ta giảm phát thải khí nhà kính, thì tác động được dự báo sẽ giảm nhiều", ông Antonio Gasparrini nói thêm.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng cho hay, họ hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp các nhà hoạch định trong việc lập chiến lược đối với vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo kết quả nghiên cứu, so với giai đoạn 1971-2020 và theo kịch bản cực đoan, Philippines sẽ phải đối mặt với số ca tử vong cao hơn gấp 12 lần do sóng nhiệt trong giai đoạn 2031-2080.
Cũng theo kịch bản tương tự, Australia và Mỹ có thể phải đối mặt với số trường hợp tử vong lớn hơn gấp 5 lần, trong khi Anh có khả năng chứng kiến số trường hợp tử vong cao hơn gấp 4 lần do sóng nhiệt trong cùng giai đoạn.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters)