Xe điện Tesla bên ngoài một phòng trưng bày và trung tâm dịch vụ Brooklyn tại thành phố New York, Mỹ. Ảnh: AFP
Theo số liệu mới nhất, doanh số bán xe ở khu vực Đông Nam Á dự kiến vượt qua tất cả các khu vực khác trên thế giới. Trong năm 2017, tổng doanh số bán xe ô tô mới tại Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines tăng 5% lên gần 3,4 triệu chiếc.
Bên cạnh đó, ước tính quyền sở hữu phương tiện trên toàn khu vực sẽ tăng hơn 40% đến năm 2040. Khu vực này có tỷ lệ sở hữu xe ô tô đặc biệt cao so với các khu vực khác trên thế giới. Không có gì lạ khi mỗi hộ gia đình ở các quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Indonesia sở hữu nhiều hơn một chiếc xe ô tô.
Khi doanh số bán xe được dự báo sẽ tăng trên toàn khu vực, mối quan tâm về môi trường được đặt ra. Bởi hầu hết các phương tiện giao thông trong khu vực chạy bằng xăng hoặc dầu diesel, điều này góp phần đáng kể vào tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tồi tệ ở các thành phố Đông Nam Á.
Một ví dụ là việc sở hữu xe ô tô gia tăng ở thủ đô Jakarta của Indonesia làm suy giảm chất lượng không khí ở đó. Bất chấp những nỗ lực để từng bước loại bỏ xăng có chì cách đây 10 năm, chất lượng không khí của Jakarta vẫn không được cải thiện nhiều.
Một nghiên cứu của Khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Indonesia cho thấy, 58% tất cả các căn bệnh của những người sống ở thành phố này có liên quan đến ô nhiễm không khí. Khi nhu cầu về ô tô tăng lên, điều này có thể trở nên tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, xe điện (EV) có thể thay đổi tất cả điều này. EV, bao gồm cả xe ô tô điện lại có thể giảm đáng kể lượng khí thải carbon thải ra môi trường. So với những chiếc xe ô tô thông thường thải ra lượng carbon dioxide (CO2), carbon monoxide (CO) và nitrogen oxide (NOx) không lành mạnh ra môi trường, những chiếc xe ô tô chạy bằng pin tạo ra lượng khí thải bằng không từ ống xả một cách hiệu quả.
Một nghiên cứu do nhà sản xuất ô tô Nissan ủy quyền và được thực hiện bởi công ty nghiên cứu Frost & Sullivan chỉ ra, 1/3 người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á đang cởi mở trong việc mua một chiếc xe ô tô điện. Với tiêu đề “Tương lai của xe điện ở Đông Nam Á”, nghiên cứu cho thấy, người tiêu dùng ở Philippines, Thái Lan và Indonesia là những người lạc quan nhất về tương lai của xe điện.
Nhận thức về môi trường và tầng lớp trung lưu đang gia tăng trong khu vực hiện đang thúc đẩy doanh số xe điện ở một số quốc gia. Tại Malaysia, sự thâm nhập của phương tiện tiết kiệm năng lượng (EEV), bao gồm xe điện đã vượt mục tiêu của quốc gia này trong năm 2018, đạt mức 62%.
Tại Việt Nam, Vinfast, nhà sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam hồi năm ngoái cũng cho ra mắt một dòng xe tay ga điện. Công ty này dự kiến sẽ sản xuất ô tô điện.
Trong năm 2014, Hiệp hội xe điện Philippines (EVAP) đặt mục tiêu để có một triệu xe điện trên đường phố Philippines đến năm 2020. Hiệp hội này cũng đang làm việc với Chính phủ để phát triển Lộ trình xe điện.
Bên cạnh đó, Bộ Năng lượng Philippines (DOE) hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để giới thiệu xe 3 bánh điện chạy bằng công nghệ pin lithium-ion. Sáng kiến này nhằm cắt giảm mức tiêu thụ xăng dầu thường niên của ngành giao thông vận tải xuống 2,8% và cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide ước tính khoảng 259.008 tấn hàng năm, bằng cách chuyển sang 100.000 chiếc xe 3 bánh chạy bằng điện.
Với sự phát triển nhanh chóng nói trên và chính sách tập trung vào việc đi lại bằng điện, xe điện hoàn toàn có thể trở thành tương lai của ngành giao thông vận tải trong khu vực.
Thanh Ngân (Lược dịch từ The ASEAN Post)