ClockThứ Hai, 14/11/2016 14:22

Vai trò của truyền thông Mỹ trong chiến thắng lịch sử của Donald Trump

Ngay từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016, tỷ phú Donald Trump đã trở thành gương mặt thu hút sự chú ý của giới truyền thông, tuy nhiên, mỗi loại hình truyền thông lại đóng góp theo một cách khác nhau vào chiến thắng chung cuộc của ứng viên đảng Cộng hòa.

Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp người kế nhiệm Donald TrumpNước Mỹ chào đón tân Tổng thống Donald TrumpNhững thách thức lớn nhất đang đợi Tổng thống đắc cử Donald Trump

Tổng thống đắc cử Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Tổng thống đắc cử Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Sự thất bại của báo chí

Trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump không phải là gương mặt ưa thích của báo chí Mỹ. Trong số 100 tờ báo in hàng đầu của Mỹ, chỉ có 2 tờ đứng về phía ông. Có những tờ báo đã tuyên bố phá lệ lịch sử hàng chục, thậm chí cả trăm năm của mình để lên tiếng phản đối ứng viên đảng Cộng hòa. Còn nếu so sánh với đối thủ Hillary Clinton, người được hơn 200 tờ báo ưu ái, thì ông Trump chỉ nhận được sự ủng hộ của hơn 20 tờ, trong đó có những tờ chỉ ủng hộ mang tính nửa vời.

Điều khiến báo chí Mỹ hứng thú là có rất nhiều thành phần trong xã hội Mỹ phản đối ông Trump như các học giả, các nhà khoa học xã hội, các chuyên gia hàn lâm, giới tinh hoa hay người trong cuộc,… Theo đó, hình ảnh ông Trump được tô vẽ theo cách của “truyền thông một chiều”.

Tuy nhiên, chiến thắng đầy bất ngờ của tỷ phú New York vào ngày 8/11 đã giáng một đòn mạnh mẽ vào những nỗ lực bêu xấu ông Trump của báo chí Mỹ trong suốt mùa bầu cử, khiến cho hàng nghìn tay bút cảm thấy khó xử khi từng tốn biết bao giấy mực để cảnh báo dư luận về một hiện tượng bất thường mang tên Donald Trump.

Giáo sư Jeff Jarvis thuộc Đại học New York, người ủng hộ mạnh mẽ bà Hillary Clinton, nói rằng: “Quá trình tranh cử của Donald Trump là bằng chứng cho thấy sự thất bại của báo chí”. Cũng giống như nhiều người thuộc trường phái truyền thông tự do khác, ông Jarvis nhận định chiến thắng của ông Trump là dấu hiệu cho thấy báo chí truyền thống đã không đi sâu sát vào thực tế cũng như đủ dũng cảm để nói lên sự thật.

Trong khi đó, xuyên suốt cuộc bầu cử tổng thống năm nay, ông Trump đã lên sóng truyền hình quá nhiều trên truyền hình. Thay vì cảm thấy sợ hãi thì phần lớn khán giả lại tỏ ra thích thú với những gì họ được xem về nhà tài phiệt này. Về cơ bản, báo chí truyền thống đã tạo ra cảm giác là không phản ánh được những câu chuyện thực tế, trong khi truyền hình lại đưa tin “thả ga” về ứng viên đảng Cộng hòa. Xét cho cùng, truyền hình vẫn là phương tiện truyền thông quyền lực nhất ở thời điểm hiện tại. Và nó cũng khiến người xem dễ tin hơn vào những gì họ được theo dõi.

Sự thắng thế của truyền hình

Donald Trump (trái) và Jeff Zucker (Ảnh: BBC)
Donald Trump (trái) và Jeff Zucker (Ảnh: BBC)

Vào năm 1968, Roger Ailes, ông chủ tương lai của hãng tin Fox News, đã phải đương đầu với một bài toán khó, đó là làm sao để đưa hình ảnh ứng viên tổng thống Richard Nixon lên sóng truyền hình mà không bị cắt gọt hay kiểm soát. Giải pháp được đưa ra sau đó là Roger Ailes đã tự xây dựng chương trình truyền hình đặc biệt về Nixon và chuyển chúng cho các nhà đài. 48 năm sau, kênh truyền hình CNN cũng áp dụng đúng công thức này đối với ứng viên tổng thống Donald Trump, theo một cách hiệu quả và hoàn toàn miễn phí.

Lý do khiến CNN hứng thú với Donald Trump rất đơn giản, đó chính là tỷ suất người xem. Jeff Zucker, ông chủ của CNN, cũng chính là người đã mời ông Trump tham gia vào chương trình truyền hình thực tế ăn khách “Người tập sự” khi ông Zucker còn làm việc tại kênh truyền hìnhNBC trước đây. Ông Trump đã trở nên nổi tiếng từ “Người tập sự”, hay nói cách khác Zucker chính là người đã biến ông Trump trở thành một ngôi sao truyền hình.

Hồi tháng 9, CNN đã phát một bộ phim tài liệu nói về ông Trump song tỷ phú New York đã chỉ trích nhà đài về bộ phim này vì cho rằng nó không phản ánh đúng con người ông. Bằng vụ lùm xùm này, Donald Trump đã mang lại cho CNN tỷ suất người xem đáng kể trong bối cảnh các kênh truyền hình đang cạnh tranh nhau khốc liệt. Đổi lại, ông Trump được phủ sóng hình ảnh khắp mọi nơi.

Một điều đáng lưu ý là cách Donald Trump xuất hiện trên truyền hình. Vì không ai đoán trước được khi nào tỷ phú này sẽ nói gì nên máy quay lúc nào cũng phải bật để thu mọi lời nói của ông. Theo đó, nước Mỹ bây giờ đã có một tổng thống khó đoán định, rất “ăn hình” và máy quay cũng như khán giả dường như lúc nào cũng đi theo từng bước chân của ông.

Sự cạnh tranh của các loại hình truyền thông

New York Post đưa tin về ông Trump trong số báo ra ngày 17/6/2015 (Ảnh: NYP)
New York Post đưa tin về ông Trump trong số báo ra ngày 17/6/2015 (Ảnh: NYP)

Trong suốt mùa hè năm 2016, ông Trump liên tục nhắc đến việc bà Hillary Clinton “đã tạo ra IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng)”. Tuy nhiên, báo chí truyền thống và các trang tin tức lại ngó lơ thông tin này. Mặc dù vậy, trên trang web cá nhân Infowars của Alex Jones, đây lại là thông tin quan trọng. Thậm chí, Jones còn đề cập đến cái gọi là “mạng lưới ma quỷ” bí mật cũng như bệnh Parkinson của bà Clinton cùng một loạt thuyết âm mưu khác.

Trong khi báo chí chính thống dường như bỏ qua việc phân tích các bài phát biểu của ứng viên đảng Cộng hòa và nhiều câu chuyện khác liên quan đến ông Trump, các nguồn thông tin khác lại tỏ ra mặn mà với những đề tài này và các bài viết sau đó đã thu hút lượng người xem đáng kể.

Trong chiến dịch tranh cử của các ứng viên tổng thống, các chuyên gia phân tích mạng xã hội Impact Social đã nghiên cứu các bài viết trên Twitter và các nền tảng mạng xã hội khác ở bang Florida để so sánh tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump và bà Clinton. Sau khi loại ra khỏi bảng thống kê các chuyên gia hàn lâm, nhà báo và giới tinh hoa, kết quả phân tích cho thấy ông Trump vượt bà Clinton khá xa về số lượng bình luận tích cực của những người sử dụng mạng xã hội. Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận, thường do báo chí thực hiện, lại cho thấy kết quả ngược lại.

Các hãng tổ chức thăm dò dư luận đã bỏ qua truyền thông mạng xã hội vì cho rằng nhóm này không phản ánh quan điểm của những cử tri đi bỏ phiếu. Tuy nhiên đây lại là gợi ý cho thấy sức ảnh hưởng của một ứng viên tổng thống đối với công chúng trên thực tế. Donald Trump đã khiến cho mọi người lên tiếng nhiều hơn trên mạng xã hội và nếu xét đến việc “chia sẻ tiếng nói” trên mạng thì ông đã thắng.

Lý do giải thích cho điều này đơn giản là vì ông Trump đã khiến cho mọi người hứng thú hơn và tạo ra nhiều cảm xúc mạnh mẽ hơn cho công chúng. Trong bối cảnh môi trường thông tin đang chuyển mình từ thế giới của những tin tức phải đăng ký, đặt mua và buộc phải xem lâu dài, sang những cú nhấp chuột, những gợi ý của bạn bè và cả “biển” thông tin trên Facebook, thì tỷ phú Donald Trump thực sự đã giành chiến thắng.

Theo Dantri

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới

Trong 2 ngày 25 và 26/11, tại TP. Huế, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức lớp tập huấn kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông trên địa bàn tỉnh.

Kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới
Năm vấn đề mà tân Tổng thống Mỹ cần giải quyết

Trong bất kỳ cuộc bầu cử người đứng đầu nào, kể cả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này, bất kỳ ứng cử viên nào được tuyên bố là người chiến thắng đều phải thực hiện cam kết của mình để giải quyết 5 lĩnh vực ảnh hưởng đến phúc lợi và tương lai của nền kinh tế.

Năm vấn đề mà tân Tổng thống Mỹ cần giải quyết

TIN MỚI

Return to top