Khóa họp thứ 73 Đại hội đồng Liên Hiệp quốc (LHQ) ngày 7/6 sẽ tổ chức bỏ phiếu cho 5 vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an bao gồm 1 vị trí cho nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương và Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho nhóm này. Nhân dịp này, Phạm Huân, phóng viên Đài TNVN thường trú tại Mỹ phỏng vấn Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ.
PV: Xin Đại sứ cho biết về sự ủng hộ của các nước khác đối với Việt Nam và đánh giá của Đại sứ về cơ hội của chúng ta trong đợt bỏ phiếu vào Hội đồng Bảo an sắp tới?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Để trở thành thành viên của Hội đồng bảo an, chúng ta phải có được sự ủng hộ của ít nhất 2/3 trong số 193 nước thành viên của LHQ. Cho tới bây giờ, Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng ta đã có sự ủng hộ và cam kết bằng văn bản của hơn 100 nước và ủng hộ miệng của 30-40 nước nữa. Có thể nói rằng chúng ta có cơ hội lớn để thắng cử, trở thành thành viên của Hội đồng bảo an trong đợt bỏ phiếu sắp tới.
PV: Không còn lâu nữa sẽ đến ngày bỏ phiếu vậy theo Đại sứ, chúng ta còn những khó khăn và thử thách nào cần phải vượt qua?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Vẫn còn khó khăn, thách thức bởi vì không phải đương nhiên người ta bầu cho mình. Cho đến nay vẫn còn khoảng hơn 40 nước chưa trả lời chúng ta. Đặc biệt, có nhiều nước đặt điều kiện mà chúng ta phải thỏa mãn được thì họ mới bỏ phiếu cho mình hoặc không thì không bỏ cho ai cả. Thế cho nên là công cuộc vận động của chúng ta ở cả thủ đô và cả LHQ này vẫn phải tiến hành để làm sao những người mới hứa ủng hộ miệng thì bây giờ họ cam kết bằng văn bản và những người đặt điều kiện thì xem xét lại điều kiện hoặc cuối cùng cũng sẽ bầu cho chúng ta. Như thế thì thắng lợi mới là chắc chắn, mới đạt được đúng như mình mong đợi.
PV: Nếu Việt Nam trúng cử trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an thì đâu là những ưu tiên trước mắt của chúng ta, thưa Đại sứ?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Do công việc ở Hội đồng Bảo an liên quan tới nhiều bộ, ngành trong nước cho nên việc phải làm ngay sau khi bỏ phiếu là kiện toàn lại bộ máy ở cả phái đoàn tại đây cũng như tại các cơ quan ở trong nước để hình thành những cơ chế hợp tác, những cơ chế thông tin để làm thế nào quá trình ra quyết định được nhanh chóng và kịp thời bởi vì tình hình sẽ biến đổi rất nhanh. Việc thứ hai phải làm ngay đó là suy nghĩ và nghiên cứu ngay những vấn đề mà Việt Nam sẽ đưa ra, sẽ dẫn dắt và sẽ làm chủ trong quá trình tham gia các hoạt động của Hội đồng Bảo an trong hai năm tới, đặc biệt là trong hai tháng mà Việt Nam sẽ làm chủ tịch Hội đồng Bảo an.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!./.
Theo VOV