Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý. Ảnh: TTXVN
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã chủ trì phiên thảo luận với sự tham gia của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Tư lệnh Phái bộ LHQ tại Cộng hoà Dân chủ Congo và gần 60 quốc gia thành viên LHQ.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng Thư ký Guterres cho rằng lực lượng gìn giữ hòa bình đang phải hoạt động trong môi trường ngày càng phức tạp, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc tăng cường huấn luyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ hoàn thành nhiệm vụ và giảm thiểu các rủi ro.
Tổng Thư ký thông báo những nỗ lực và khẳng định cam kết của LHQ về đào tạo và xây dựng năng lực trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện Tuyên bố Cam kết chung về hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ năm 2018 trong khuôn khổ sáng kiến của Tổng Thư ký về Hành động vì Gìn giữ hòa bình. Ông cũng cho rằng cần triển khai một cách toàn diện công tác huấn luyện, tuân thủ các tiêu chuẩn và nguyên tắc cơ bản khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, tăng cường hợp tác ba bên giữa Ban Thư ký, các nước có nguồn lực và các nước gửi quân.
Tư lệnh Phái bộ LHQ tại CHDC Congo, Tướng Martins Filho, chỉ ra những khó khăn trong hoạt động trên thực địa của Phái bộ LHQ tại CHDC Congo, cho rằng cần ưu tiên thay đổi tư duy của các bên liên quan trong vấn đề gìn giữ hòa bình, thúc đẩy việc trao đổi thông tin. Ông cho rằng công tác huấn luyện cần được nghiên cứu xây dựng dựa trên điều kiện và tình hình của từng phái bộ nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
Phát biểu của các nước nhất trí cho rằng cần tăng cường công tác huấn luyện để nâng cao an toàn, an ninh và hiệu quả hoạt động của lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ trong bối cảnh các xung đột phức tạp và nhiệm vụ đề ra ngày càng đa dạng hiện nay. Chất lượng của công tác huấn luyện và xây dựng năng lực trước và trong khi triển khai có ý nghĩa quyết định đối với việc này đồng thời giảm thiểu tỉ lệ thương vong cho lực lượng gìn giữ hoà bình.
Các nước khẳng định ủng hộ nỗ lực của Tổng Thư ký và các cơ quan LHQ trong việc thực hiện các cam kết sẵn có, tăng cường hợp tác ba bên, cam kết tiếp tục hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và ngăn ngừa bạo lực tình dục trong xung đột.
Các nước Không liên kết khẳng định việc nâng cao hiệu quả hoạt động gìn giữ hoà bình cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của LHQ như đồng thuận giữa các bên liên quan, không thiên vị, không sử dụng vũ lực, trừ trường hợp tự vệ và bảo vệ phái bộ. Các nước ASEAN nhấn mạnh các nước cử quân cần ưu tiên bảo đảm nhân sự tham gia gìn giữ hoà bình phải đạt tiêu chuẩn của LHQ đề ra. Các nước có thể sử dụng chung các nguồn lực và kinh nghiệm chuyên môn để học hỏi, hỗ trợ huấn luyện lẫn nhau thông qua các khuôn khổ quan hệ đối tác.
Phát biểu tại cuộc Thảo luận, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, cho rằng các nước cần tích cực ủng hộ và triển khai Tuyên bố Cam kết chung về hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ năm 2018. Đại sứ nhấn mạnh việc đầu tư cho công tác huấn luyện và xây dựng năng lực cần được thực hiện đồng bộ ở các cấp độ khác nhau, trong đó cần tính đến yêu cầu đặc thù của địa bàn và của các nữ nhân viên. Ở cấp độ quốc gia quốc gia, các nước cần tăng cường công tác rà soát, chuẩn bị và huấn luyện lực lượng đáp ứng đúng các tiêu chuẩn của LHQ, trong đó đặc biệt chú trọng huấn luyện tiền triển khai. Các tư liệu hữu ích của LHQ cần được thường xuyên cập nhật. Ở cấp độ khu vực, các nước cần tăng cường phối hợp chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, bao gồm cả hợp tác giữa các trung tâm huấn luyện.
Ở cấp độ toàn cầu, hệ thống LHQ cần xúc tiến quan hệ đối tác, chia sẻ trách nhiệm giữa các cơ quan của LHQ, nhất là giữa Hội đồng bảo an, Ban Thư ký và các nước cử quân, chuẩn hoá quy trình, bảo đảm nguồn ngân sách cho hoạt động huấn luyện. Đại sứ cho biết Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công các hoạt động của Dự án Đối tác ba bên về Triển khai nhanh cho tăng cường năng lực do Ban Thư ký LHQ chủ trì, có sự tham gia của nhiều nước thành viên LHQ.