Theo nội dung của chiến lược phát triển năng lượng quốc gia về dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng cho thấy, đến năm 2035, tổng nhu cầu sử dụng năng lượng sẽ tăng gấp đôi so với năm 2015, trong đó ngành giao thông vận tải là lĩnh vực chứng kiến mức độ tiêu thụ tăng nhanh nhất, vào khoảng 5,7%, tương đương với việc chiếm đến 27,5% tổng nhu cầu năng lượng của cả nước. Bên cạnh đó, mức độ tiêu thụ của ngành công nghiệp – lĩnh vực chiếm 45,5% tổng nhu cầu năng lượng cũng tăng 5% trong giai đoạn từ 2016 đến 2030.
Hình ảnh người nông dân đang trên cánh đồng lúa ở Huế. Ảnh AFP/Hoàng Đình Nam
Để cung cấp đủ lượng điện cần thiết, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ước tính công suất điện sẽ phải tăng lần lượt lên thành 61GW, 97GW và 127.7GW vào các năm 2020, 2025, 2030. Phía Việt Nam cũng cần có một nguồn hỗ trợ tài chính vững chắc, có thể cung cấp khoảng 148 tỷ USD để thực hiện kế hoạch phát triển ngành công nghiệp năng lượng từ nay đến năm 2030.
Đối với Việt Nam, than hiện là nguồn nhiên liệu quan trọng, đóng một vai trò rất lớn trong quá trình sản xuất năng lượng. Khi nhu cầu điện tăng, số lượng than cần thiết để sử dụng cho các nhà máy điện than cũng tự động tăng. Tuy nhiên về lâu dài, Bộ Công thương khẳng định tỷ lệ than trong sản xuất điện sẽ giảm từ 47,9% trong giai đoạn 2014-2015 xuống còn 34,7% trong giai đoạn 2016-2020.
Việt Nam đang hướng đến phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn bao gồm: nhiên liệu hóa thạch “sạch” và năng lượng tái tạo. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu, quốc gia này đang khẩn trương triển khai xây dựng nhà máy điện than sử dụng công nghệ siêu tới hạn ở Thanh Hóa. Tích hợp công nghệ hiện đại mới, nhà máy điện than mới được kỳ vọng sẽ hoạt động hiệu quả hơn các mô hình nhà máy điện thông thường khác.
Nỗ lực chuyển đổi sang sử dụng các hình thức năng lượng khác của Việt Nam đã và đang thể hiện rõ ràng qua những nỗ lực hợp tác chung với Liên minh châu Âu (EU) để thành lập quỹ năng lượng EU – Việt Nam với tổng trị giá 133 triệu USD. Mục tiêu của dự án là cải thiện khả năng tiếp cận với các nguồn năng lượng bền vững ở khu vực nông thôn và đảm bảo khả năng sử dụng điện cho hơn 1,2 triệu hộ gia đình. Dự án này là một phần của khoản viện trợ lớn hơn trị giá 426 triệu USD của EU để hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt nam trong giai đoạn 2014 – 2020.
“Việt Nam - một trong những quốc gia chịu tác động mạnh nhất biến đổi khí hậu, đang phải đối mặt với những thách thức về năng lượng để duy trì con đường phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù các hỗ trợ của EU sẽ không thể giải quyết hoàn toàn những khó khăn mà nước này gặp phải, song EU vẫn có thể kết hợp với các đối tác phát triển khác để tác động và thúc đẩy quá trình phát triển ngành năng lượng bền vững của Việt Nam”, Stefano Manservisi - Tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác Quốc tế và Phát triển của Ủy ban Châu Âu cho hay.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ The ASEAN Post)