Nguồn nhân lực lao động nữ ở một số nước chỉ chiếm 38%, thấp hơn nhiều so với 62% của nam giới. Ảnh: Devdiscourse
Theo kết quả của một nghiên cứu vừa được nhóm Ngân hàng Thế giới thực hiện trên 141 quốc gia cho thấy, các nước đang mất khoảng 160.000 tỷ USD do sự chênh lệch giữa thu nhập của nam giới và nữ giới. Do bất bình đẳng giới, khoản phí tổn này có mức trung bình vào khoảng 23.620 USD/ người.
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, tại hội nghị G7, giới chức Canada đã tiên phong cam kết hành động đảm bảo bình đẳng giới và trao nhiều quyền lợi hơn cho phụ nữ.
“Một khi chúng ta tiếp tục bỏ qua vấn đề bất bình đẳng và xét về mức thu nhập cả cuộc đời của cả hai giới, các nước có thể mất hơn 160 nghìn tỷ USD. Đây là một lời cảnh tỉnh rõ ràng đòi hỏi các nhà lãnh đạo trên thế giới cần thực hiện chuỗi hành động dứt khoát, cùng lúc tập trung triển khai nhiều kế hoạch thúc đẩy việc làm tốt hơn cho phụ nữ và cung cấp mức lương bình đẳng cho cả hai giới tại nơi làm việc”, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới Kristalina Georgieva cho hay.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh hiện nay ở nhiều nước, phụ nữ đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản khiến họ không thể tham gia lao động và được trả lương như nam giới. Do những nhìn nhận sai lầm, hậu quả dẫn đến là nguồn nhân lực lao động nữ ở một số nước chỉ chiếm 38%, thấp hơn nhiều so với 62% của nam giới. Ở các nước có thu nhập trung bình thấp, vấn nạn này còn diễn ra nghiêm trọng hơn khi phụ nữ chỉ chiếm 1/3, thậm chí là ít hơn trong đội ngũ lao động.
Nhìn chung, thiệt hại kinh tế về bình đẳng giới cũng thay đổi theo vùng. Trong đó khoản lỗ lớn nhất là ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Á với khoảng 40.000 tỷ USD – 50.000 tỷ USD.
Do đó, bản cáo báo chỉ ra rằng, các chương trình và chính sách hỗ trợ phụ nữ tìm việc dễ dàng hơn hoặc triển khai tiếp cận cơ bản, tiếp cận các dịch vụ tài chính, kiểm soát đất đai có thể được xem là những biện pháp tốt nhất hiện nay để thúc đẩy bình đẳng giới.
“Trong nghiên cứu có những điều khoản, nội dung phân tích cho thấy chi phí hình thành bởi bình đẳng giới rất quan trọng đối với nền kinh tế của một quốc gia. Bằng cách tập trung vào sự giàu có, tiến bộ, nghiên cứu này đem đến một cái nhìn mới, cho phép các cấp chính quyền có cái nhìn đúng đắn hơn về khối tài sản các nước có thể tạo ra trong tương lai nếu thay đổi chính sách phù hợp”, Hãng tin Devdiscourse dẫn lời quan chức cấp cao của Ngân hàng thế giới cho hay.
Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)