Mảnh vỡ được tìm thấy ở Mauritius thuộc MH370. Ảnh: AP
Mảnh vỡ hỗn hợp được thu hồi từ quốc đảo Mauritius ở Ấn Độ Dương hồi tháng 5 vừa qua là một phần mép sau của chiếc Boeing 777, phía ngoài nắp, có nguồn gốc từ chiếc máy bay được đăng ký 9M-MRO (MH370) của hãng Malaysia Airlines", Cục An toàn Giao thông Vận tải Úc (ATSB) cho biết trong một báo cáo.
Cơ quan thuộc chính phủ này hiện đang dẫn đầu các cuộc tìm kiếm chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines ở miền nam Ấn Độ Dương, ngoài khơi xa bờ biển Tây Úc.
Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cũng khẳng định rằng, các mảnh vỡ thuộc về chiếc máy bay xấu số MH370.
Báo cáo được đưa ra 2 tuần sau khi ATSB nói rằng, các quan chức vẫn chưa tìm thấy mối liên kết nào giữa các mảnh vỡ thu hồi từ Madagascar cuat nhà điều tra nghiệp dư Mỹ Blaine Gibson với MH370 hoặc một chiếc Boeing 777.
Không có dấu vết nào của MH370 được thu hồi từ các khu vực tìm kiếm rộng 120.000 km vuông (46.000 dặm vuông) tính đến nay, càng làm gia tăng suy đoán rằng có thể chiếc máy bay đã bị rơi bên ngoài khu vực tìm kiếm.
Tuy nhiên, một vài mảnh vỡ có quan hệ với MH370 đã được phát hiện dọc bờ biển phía tây Ấn Độ Dương - ở Mozambique, Nam Phi và Mauritius.
Phần đầu tiên tìm được là một phần cánh được tìm thấy trên đảo Reunion của Pháp tại Ấn Độ Dương hồi tháng 7/2015.
MH370 đã biến mất trên đường bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn vào ngày 8/3/2014. Kể từ đó, một số mảnh vỡ thuộc chiếc máy bay đã được tìm thấy, nhưng các nhà điều tra không có đủ thông tin để xác định vị trí chính xác của lượng lớn đống đổ nát. Tìm kiếm vị trí chính xác sẽ giúp các nhà điều tra tìm ra hộp ghi dữ liệu của máy bay để có thể cung cấp thông tin về lý do tại sao máy bay bay chệch hành trình. Các thông tin này cũng sẽ cung cấp một số kết luận để giải thích cho các gia đình và bạn bè của những nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc.
Việc tìm kiếm các mảnh vỡ sẽ kết thúc vào tháng 12 tới, sau khi đoàn tìm kiếm quét xong một vùng rộng 46.000 dặm vuông ở Ấn Độ Dương. Các nhà chức trách từ Malaysia, Trung Quốc và Australia hồi tháng 7/2016 tuyên bố sẽ dừng việc tìm kiếm trị giá 160 triệu USD, nếu không có bằng chứng mới được khai quật.
Tố Quyên (Lược dịch từ AP & IBtimes)