Rực rỡ màn bắn pháo hoa chào đón năm mới tại thành phố Sydney, Australia. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Đại dịch COVID-19 bước sang năm thứ 3, lại một lần nữa thống trị cuộc sống của đa số người dân trên thế giới. Hơn 5,4 triệu người đã thiệt mạng kể từ khi virus SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện ở miền Trung Trung Quốc hồi tháng 12/2019. Vô số người khác đã bị nhiễm bệnh, đối mặt với những đợt bùng phát dịch bệnh, các biện pháp phong toả…
Hy vọng xuất hiện khi vaccine ngừa COVID-19 được triển khai cho khoảng 60% dân số thế giới. Tuy nhiên, khi năm 2021sắp kết thúc, sự xuất hiện của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã đẩy số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 triệu ca nhiễm, theo một cuộc kiểm kê của Hãng Thông tấn AFP. Đáng chú ý, Vương quốc Anh, Mỹ và thậm chí cả Australia đang phá vỡ kỷ lục về các ca nhiễm mới.
Từ thủ đô Seoul của Hàn Quốc cho đến thành phố San Francisco ở Mỹ, các lễ đón Giao thừa một lần nữa bị hủy bỏ hoặc thu hẹp. Trong khi đó, ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil, các lễ kỷ niệm thường thu hút 3 triệu người đến bãi biển Copacabana vẫn sẽ được tổ chức. Giống như tại Quảng trường Thời đại ở thành phố New York (Mỹ), các sự kiện chính thức ở thành phố Rio de Janeiro sẽ được thu hẹp.
"Mọi người chỉ có một mong muốn, đó là rời khỏi nhà để ăn mừng…", anh Francisco Rodrigues, một người phục vụ 45 tuổi tại bãi biển Copacabana cho hay.
Trong khi đó, một số người dân ở Brazil lại tỏ ra cẩn trọng hơn. “Sẽ có rất nhiều người đến Copacabana. Đó là điều thường thấy”, luật sư Roberta Assis, 27 tuổi chia sẻ; đồng thời nói rằng, cô dự định đến nhà của một người bạn với một nhóm bạn nhỏ. "Đây không phải là thời điểm cho các cuộc tụ họp lớn", cô Roberta Assis nhận định.
Tại Sydney, thành phố lớn nhất của Australia, các nhà chức trách cũng đã quyết định tổ chức đón năm mới bằng một màn bắn pháo hoa, sẽ thắp sáng bến cảng mang tính biểu tượng của thành phố này. Không giống như sự kiện không có khán giả hồi năm ngoái, hàng chục nghìn người dự kiến sẽ tham gia.
Theo các nhà chức trách Australia, việc họ chuyển sang "sống chung với COVID-19" được dựa trên tỷ lệ tiêm chủng cao đối với người trưởng thành, cũng như những bằng chứng gia tăng cho thấy biến thể Omicron ít gây tử vong hơn.
Bức tranh chào đón năm mới của thế giới cũng không hoàn toàn ảm đạm, khi tại Nam Phi, quốc gia đầu tiên báo cáo về biến thể mới, lệnh giới nghiêm từ nửa đêm đến 4 giờ sáng đã được dỡ bỏ, để cho phép các sự kiện kỷ niệm được diễn ra. Các quan chức y tế tại quốc gia này nói rằng, sự sụt giảm của các ca nhiễm trong tuần qua cho thấy mức đỉnh của làn sóng dịch bệnh COVID-19 hiện tại đã qua.
Trong một động thái liên quan, các chuyên gia hy vọng xu hướng đó sẽ được nhân rộng ở những nơi khác, và năm 2022 có thể được nhớ đến như một giai đoạn mới, ít nghiêm trọng hơn của đại dịch.
Lê Thảo (Lược dịch từ AFP)