|
Thiếu những mũi tiêm chủng cần thiết, nhiều trẻ em đã tử vong do các bệnh có thể phòng tránh được. Ảnh minh họa: Shutterstock/Báo Tuổi trẻ Online |
Cụ thể, tính đến giữa năm 2023, 47 nước đã báo cáo dịch sởi bùng phát nghiêm trọng, tăng cao so với 16 nước ghi nhận có dịch vào tháng 6/2020.
Nigeria hiện đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch bạch hầu lớn nhất trong lịch sử nước này, với hơn 17.000 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh và gần 600 ca tử vong ghi nhận cho đến nay. Cùng lúc, 12 quốc gia, từ Afghanistan đến Zimbabwe đang báo cáo có virus bại liệt lưu hành.
Nhiều trẻ em không được tiêm chủng hiện đã quá tuổi, không còn được tham gia các chương trình tiêm chủng thông thường.
Theo GAVI, tổ chức giúp tài trợ cho việc tiêm chủng ở các nước thu nhập trung bình và thấp nhận xét, tỷ lệ “trẻ em không tiêm chủng” chiếm gần một nửa số ca tử vong ở trẻ em có nguyên nhân là do các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine.
Thêm 85 triệu trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ do tác động của đại dịch COVID-19 nghĩa là các em chỉ có thể nhận được một phần của liệu trình tiêm chủng tiêu chuẩn, gồm một số mũi tiêm cần thiết để bảo vệ khỏi nguy cơ mắc một số bệnh cụ thể.
Cái giá của điều này đang ngày càng trở nên rõ ràng. Theo một báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), so với năm 2021, số ca tử vong do bệnh sởi đã tăng 43% lên 136.200 ca vào năm 2022. Các số liệu cho năm 2023 thậm chí còn cho thấy rằng tổng số ca tử vong có thể cao gấp đôi.
Tiến sĩ Ephrem Lemango, Phó Giám đốc phụ trách tiêm chủng của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) cho biết: “Sự suy giảm về tỷ lệ tiêm chủng trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành đã trực tiếp dẫn chúng ta đến tình trạng bệnh tật và tử vong ở trẻ em gia tăng hàng năm trên toàn thế giới. Với mỗi đợt bùng dịch mới, thiệt hại cho các cộng đồng dễ bị tổn thương lại tăng lên. Do đó, chúng ta cần hành động nhanh chóng và đầu tư cần thiết để bắt kịp việc hỗ trợ những đứa trẻ đã bị bỏ lỡ trong đại dịch”.
Trong bối cảnh này, một trong những thách thức lớn nhất là những đứa trẻ đã bỏ lỡ những mũi tiêm đầu tiên của cuộc đời trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2022, hiện đã lớn hơn nhóm tuổi thường đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu và cũng quá tuổi trong các chương trình tiêm chủng thông thường. Việc tiếp cận và bảo vệ các em khỏi những căn bệnh có thể dễ gây tử vong ở các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém nhất sẽ cần thêm sự thúc đẩy và đầu tư mới.
Hiện UNICEF đang yêu cầu GAVI tài trợ 350 triệu USD để mua vaccine nhằm tiếp cận những đứa trẻ này. Hội đồng quản trị của GAVI sẽ xem xét yêu cầu này vào tháng 12 tới đây. Đồng thời, UNICEF cũng đang kêu gọi các nước triển khai chương trình tiêm chủng bổ sung, một chương trình đặc biệt chỉ diễn ra một lần để tiếp cận tất cả trẻ em từ 1 – 4 tuổi đã bỏ lỡ những mũi tiêm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mình…