Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/11 nhất trí về gói hỗ trợ trị giá 3 tỷ euro mà EU cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tiếp nhận người tị nạn Syria. Hai bên cũng quyết định khởi động kế hoạch hành động chung nhằm hạn chế dòng người tị nạn đổ về châu Âu, cũng như tái khởi động các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong 11 năm qua là một ngày lịch sử và nhấn mạnh, nước này sẽ giữ các cam kết của mình.
|
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (thứ 2 từ phải sang) với các nhà lãnh đạo EU. (ảnh: dpa). |
Tuy nhiên một chuyên gia phân tích chính trị của trường Đại học Bahcesehir ở Istanbul, ông Cengiz Aktar cho rằng, những gì châu Âu đang đề nghị cho Thổ Nhĩ Kỳ là không thực tế và không có khả năng thực hiện. Không ai có thể ngăn chặn những người di cư tới Hy Lạp hay Bungary, bởi vì họ không có tương lai ở đất nước của chính mình hay ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện tiếp nhận hơn 2 triệu người tị nạn từ cuộc xung đột Syria và là điểm chính cho người di cư tới châu Âu thông qua Hy Lạp. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng thừa nhận không thể đảm bảo có ít người tị nạn tới Thổ Nhĩ Kỳ do bất ổn tại Syria.
Trong khi đó, những nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ dường như vẫn là giấc mơ xa vời. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết: “Liên minh châu Âu sẽ tăng cường sự ủng hộ với Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực, ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp, nới lỏng các giới hạn visa và cùng nhau hợp tác trong việc phá vỡ các mạng lưới buôn lậu. Xa hơn nữa, chúng tôi cam kết thực hiện vai trò của mình trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương”.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đàm phán gia nhập EU từ năm 2005, nhưng cho đến nay mới nhất trí được với EU về một trong số 35 chương phải thực hiện để có được tư cách thành viên EU. Vì vậy theo ông Aktar, với tốc độ hiện nay sẽ phải đến tận năm 2355, Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể gia nhập EU.
Chuyên gia phân tích này cũng cho rằng, ông không mong đợi thành viên Liên minh châu Âu là Cộng hòa Síp sẽ không sử dụng lá phiếu phủ quyết đối với các cuộc đàm phán của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, nếu quốc gia Địa Trung Hải phía Đông này vẫn bị chia cắt.
Liên minh châu Âu cũng do dự về việc mở rộng vòng tay đón Thổ Nhĩ Kỳ do những mối lo ngại về nhân quyền. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thừa nhận không thể bỏ qua những khác biệt với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề nhân quyền, tự do báo chí và hai bên đang cố gắng giải quyết.
Chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Berenberg ở London Holger Schmieding nhận định, chi tiết của thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU rất mơ hồ. Việc làm thế nào để thực hiện thỏa thuận vẫn là câu hỏi khó, nhưng cả hai bên sẽ đều có lợi nếu hoàn tất được thỏa thuận này./.