Thế giới

Thủ đô Seoul đầu tư 250 tỷ won thu hút nhân tài và doanh nghiệp nước ngoài

ClockThứ Hai, 20/05/2024 17:14
TTH.VN - Chính quyền thủ đô Seoul (Hàn Quốc) hôm nay (20/5) công bố sẽ đầu tư 250,6 tỷ won (184,8 triệu USD) trong 5 năm tới để thu hút nhân tài và doanh nghiệp nước ngoài, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu của thành phố.

Hàn Quốc công bố kế hoạch xây dựng “cụm siêu bán dẫn” vào năm 2047Seoul thiết lập hệ thống cảnh báo kiểm soát đám đông dịp Halloween

Thủ đô Seoul đặt mục tiêu lọt vào top 5 thành phố hàng đầu toàn cầu. Ảnh: Tintuconline

Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh dân số nước ngoài sinh sống ở Seoul ngày càng tăng, với cư dân nước ngoài đạt 440.000 người, tương đương 4,7% dân số thủ đô, làm tăng nhu cầu đưa người nước ngoài kết hợp vào lực lượng lao động của thành phố.

Dự án chủ yếu tập trung vào việc hợp tác với các trường đại học lớn để thu hút khoảng 1.000 người nước ngoài có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ về khoa học và kỹ thuật, đồng thời cũng nhằm mục đích khuyến khích 100 công ty toàn cầu được các nhân tài nước ngoài ưa thích chuyển đến Seoul.

Để đạt được mục tiêu, Seoul có kế hoạch chọn 10 trường đại học có chuyên ngành về công nghệ tiên tiến và cung cấp hỗ trợ tài chính lên tới 1,5 tỷ won hàng năm cho mỗi trường trong thời gian 3 năm.

Song song đó, Seoul cũng sẽ tổ chức các hội chợ du học tại nhiều quốc gia để thu hút sinh viên nước ngoài và xây dựng các chương trình học bổng, trao 20 triệu won/năm cho mỗi sinh viên nước ngoài xuất sắc. Chương trình sẽ bắt đầu với hội chợ du học đầu tiên được tổ chức tại Jakarta, Indonesia vào tháng 7 tới.

Đến năm 2030, Seoul cũng có kế hoạch thành lập một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp cung cấp dịch vụ bằng cả tiếng Hàn và tiếng Anh, hướng tới tiếp đón hơn 100 công ty khởi nghiệp nước ngoài đang tìm cách mở rộng sang Seoul và từ đó, lấn sâu hơn vào thị trường châu Á.

Đáng chú ý, kế hoạch này cũng bao gồm việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giúp sinh viên nước ngoài tại Seoul tìm việc làm tại các công ty khởi nghiệp và trí tuệ nhân tạo (AI), hoặc tự thành lập công ty khởi nghiệp của riêng mình.

Một trụ cột khác trong kế hoạch 5 năm của Seoul tập trung vào việc thu hút và nuôi dưỡng lực lượng lao động nước ngoài trong các lĩnh vực mà thành phố đang thiếu hụt lao động, như dịch vụ chăm sóc, chăm sóc trẻ em, ăn uống và khách sạn.

Thủ đô của Hàn Quốc cũng dự định sẽ tích cực tìm kiếm lao động nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trong lĩnh vực chăm sóc, với ước tính sẽ cần thêm 80.000 lao động.

Để giúp giữ chân lực lượng lao động nước ngoài, thủ đô Seoul đặt mục tiêu cung cấp cho người nước ngoài đang làm việc tại đây các phúc lợi khi mang thai, sinh con và chăm sóc trẻ em tương đương với những phúc lợi dành cho công dân Hàn Quốc.

“Để Seoul có thể lọt vào nhóm 5 thành phố dẫn đầu toàn cầu, Seoul phải trở thành một thành phố hòa nhập hơn, tích cực thu hút lao động và doanh nghiệp nước ngoài, cũng như tận dụng tối đa ý tưởng, vốn và tiềm năng của họ”, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cho biết.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Yonhap)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế

Để đảm bảo Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế được thực hiện đầy đủ các hạng mục theo quy mô đầu tư được duyệt, hoàn thành tất cả mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn vay, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư DA với thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2025.

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế
Hướng đến giáo dục nghề nghiệp xanh và bền vững

Ngày 13/12, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp Hàn Quốc (KRIVET) tổ chức hội thảo chia sẻ chuyên môn "Phát triển giáo dục nghề nghiệp bền vững: Từ chuyển đổi số đến GDNN xanh".

Hướng đến giáo dục nghề nghiệp xanh và bền vững
THỊ TRƯỜNG GIÁO DỤC ASEAN:
Xu hướng và cơ hội đầu tư

Trong bối cảnh Đông Nam Á đang tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế và biến đổi xã hội, vai trò của giáo dục trong việc bồi dưỡng lực lượng lao động có kỹ năng chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Giáo dục - với tư cách là động lực chính thúc đẩy năng lực cạnh tranh kinh tế và tính di động xã hội, đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi này. Các chính phủ trên khắp khu vực đang thực hiện các cải cách đầy tham vọng và tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục chất lượng ở mọi cấp độ, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học và sau đại học.

Xu hướng và cơ hội đầu tư
Return to top