Thế giới

Thủ tướng Nhật Bản công du châu Âu và Mỹ, trải đường cho Hội nghị thượng đỉnh G7

ClockThứ Hai, 09/01/2023 19:39
TTH.VN - Hôm nay (9/1), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần đến 5 nước thành viên của nhóm G7, nhằm tăng cường mối quan hệ với châu Âu và Anh, đồng thời tập trung vào liên minh Nhật - Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington trong những ngày tới, AP News và Reuters đồng loạt đưa tin cho biết.

Chính phủ Nhật Bản xem xét phương án tổ chức các hội nghị G7Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2023 tại HiroshimaNhật Bản là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất nhóm G7 trong năm 2020

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần đến 5 nước thành viên của nhóm G7 từ ngày 9/1/2023. Ảnh minh hoạ: Kyodo

Theo lịch trình, Thủ tướng Kishida sẽ thăm Pháp, Italia, Anh, Canada và Mỹ trong chuyến công du tuần này. Các cuộc thảo luận với lãnh đạo các nước dự kiến sẽ bao gồm an ninh kinh tế, chất bán dẫn… cho đến xung đột Ukraine và một số vấn đề khác.

Được biết, chuyến thăm Washington của Thủ tướng Kishida trong chặng cuối cùng của hành trình lần này sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông tới thủ đô nước Mỹ kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 10/2021. Theo lời Thủ tướng Kishida, hội nghị thượng đỉnh của ông với Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến diễn ra vào ngày 13/1 tới sẽ nhấn mạnh sức mạnh của liên minh Nhật-Mỹ và cách hai nước có thể hợp tác chặt chẽ hơn theo các chiến lược an ninh và quốc phòng mới.

“Với Mỹ, chúng tôi sẽ thảo luận về việc tăng cường liên minh song phương và làm thế nào để duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, ông Kishida nói.

Hai nhà lãnh đạo Nhật – Mỹ cũng sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực và toàn cầu như các chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cuộc xung đột ở Ukraine… Bên cạnh đó, việc hợp tác trong lĩnh vực chuỗi cung ứng và an ninh kinh tế cũng sẽ được thảo luận. Được biết hồi tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã có cuộc thảo luận tại Washington về tầm quan trọng của việc cùng hợp tác để thúc đẩy và bảo vệ các công nghệ quan trọng và mới nổi, bao gồm cả chất bán dẫn và kiểm soát xuất khẩu để giải quyết các vấn đề về cạnh tranh và an ninh. 

Ngoài điểm nhấn là chuyến thăm Washington, trong chuyến công du này, Thủ tướng Kishida cũng sẽ tìm cách tăng cường hơn nữa quan hệ song phương với 4 quốc gia G7 khác gồm Pháp, Italia, Anh và Canada.

Theo Reuters, việc Nhật Bản cùng phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo FX với Anh và Italia để triển khai theo kế hoạch vào năm 2035 sẽ là một trong những chương trình nghị sự hàng đầu trong chuyến thăm của ông tại Rome và London lần lượt vào ngày 10/1 và 11/1. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ ký một thỏa thuận với Anh, trong đó thiết lập một khuôn khổ pháp lý nhằm tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung ở cả hai nước, báo Yomiuri cho biết.

Các nhà phân tích nhận định rằng ngay cả khi không có bất kỳ thông báo quan trọng nào, chuyến công du các nước G7 của Thủ tướng Kishida cũng được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường sự ủng hộ trong nước đối với ông sau các vụ từ chức trong nội các và một số vấn đề gây tranh cãi khác.

Ông Airo Hino, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Waseda, nhận định: “Tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ mang lại cho Thủ tướng Kishida điểm chính trị tối đa - và chuyến đi này là sự chuẩn bị cho điều đó”.

Được biết, Thủ tướng Nhật Bản Kishida sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 19/5 – 21/5 năm nay tại thành phố Hiroshima - nơi đã bị tàn phá bởi vụ ném bom nguyên tử vào tháng 8/1945, với mong muốn sẽ trình bày tầm nhìn về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Đồng thời, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ trao đổi quan điểm về cách giải quyết vấn đề giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng cao do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine và các rủi ro suy giảm khác đối với nền kinh tế thế giới.

Tố Quyên (Lược dịch từ AP & Reuters)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Nhật Bản ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục

Nhật Bản đã ghi nhận mức thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục 15,82 nghìn tỷ yen (tương đương 103 tỷ USD) trong nửa đầu năm tài chính 2024, được thúc đẩy bởi lợi nhuận gia tăng từ các khoản đầu tư nước ngoài trong bối cảnh đồng yen yếu đi.

Nhật Bản ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục
Return to top