Trong phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hiệp Quốc. Ảnh minh họa: AP/Báo Nhân dân
Với tư cách là tổ chức quốc tế phổ quát, là cơ quan đại diện và có thẩm quyền nhất, Liên Hiệp Quốc hiện đã và đang trở thành một đấu trường đa phương quan trọng nhất để thúc đẩy hòa bình và giải quyết những vấn đề của khu vực và toàn cầu.
Khi cộng đồng quốc tế đánh dấu sinh nhật lần thứ 75 của Liên Hiệp Quốc, đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn thế giới khiến các nhà lãnh đạo chọn tổ chức các sự kiện thông qua hình thức trực tuyến. Bên cạnh cách thức hội họp thay đổi, cuộc tấn công bất ngờ của đại dịch cũng đã và đang thay đổi thế giới về nhiều khía cạnh hơn.
Có thể nói rằng hiện đang là một thời đại vô cùng bất ổn. Chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang gia tăng. Điều đáng lo ngại hơn là hành vi của một số cường quốc đang đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với hệ thống đa phương của thế giới do Liên Hiệp Quốc quản lý.
Đáng chú ý, khi nhân loại đang đấu tranh để đánh bại kẻ thù chung - đại dịch COVID-19, tinh thần đoàn kết và hợp tác lại đang đối mặt với nguy cơ có thể bị gạt sang một bên.
Trong hoàn cảnh đó, Liên Hiệp Quốc kỷ niệm 75 năm có chủ đề vô cùng quan trọng: “Tương lai chúng ta muốn, LHQ chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết tập thể của chúng ta đối với chủ nghĩa đa phương”.
Trên khắp thế giới, “đường cong” của đại dịch vẫn chưa được san phẳng. Tỷ lệ lây nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng. Đồng thời tỷ lệ tử vong cũng tăng đột biến. Cuộc khủng hoảng sức khỏe một lần nữa nhấn mạnh thực tế rằng loài người thuộc về một cộng đồng có tương lai chung và chỉ bằng cách chung tay, các quốc gia mới có thể thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn.
Để duy trì chủ nghĩa đa phương, thế giới nên bảo vệ thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc. Hơn 75 năm qua, vai trò của Liên Hiệp Quốc đã quá rõ ràng, không thể phủ nhận, tổ chức đã để lại những nguồn cảm hứng sâu sắc cũng như những di sản quý giá cho xã hội loài người.
Trong nhiều thập kỷ, Liên Hiệp Quốc đã thiết lập và vận hành một cơ chế an ninh tập thể, đồng thời triển khai hơn 70 hoạt động giữ gìn hòa bình với sự tham gia của gần 130 quốc gia. Vai trò của Liên Hiệp Quốc là giải quyết hậu quả của những xung đột cục bộ, ngăn chặn các cuộc chiên tranh thế giới mới và giữ gìn hòa bình và ổn định toàn cầu.
Với sự hiện diện của hệ thống đa phương do Liên Hiệp Quốc làm trung tâm, các nước trên toàn thế giới đã và đang thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn, đầu tư sâu rộng hơn, đồng thời chứng kiến sự phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu đạt bước tiến nhảy vọt. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 1960 đến 2019, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đã tăng từ 1,37 nghìn tỷ lên 87,7 nghìn tỷ. Trong cùng thời kỳ, GDP bình quân đầu người cũng tăng từ 452 USD lên 11.428 USD.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đều có nhiều đóng góp vào những giải pháp trong vấn đề toàn cầu hướng đến đạt được tiến bộ cho xã hộ loài người.
Nhìn chung, khắc phục các vấn đề toàn cầu đòi hỏi những giải pháp toàn cầu. Không có nơi nào tốt hơn Liên Hiệp Quốc để cộng đồng quốc tế có thể tìm kiếm những giải pháp đó. Cho dù là chiến đấu với đại dịch, hay lập kế hoạch phục hồi sau đại dịch, tất cả các quốc gia vẫn phải bảo vệ vững chắc quyền hạn của LHQ và duy trì trật tự quốc tế. Để duy trì chủ nghĩa đa phương, thế giới cũng phải thừa nhận và thực hành khái niệm quản trị toàn cầu dựa trên nguyên tắc tham vấn sâu rộng, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích….
Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)