Thế giới

Thúc đẩy lối sống lành mạnh hơn, Thái Lan lên kế hoạch áp đặt thuế muối

ClockThứ Tư, 22/12/2021 18:23
TTH.VN - Theo tiết lộ của Chủ tịch Hiệp hội Thận học Thái Lan - Tiến sĩ Surasak Kantachuvesiri, thuế muối vốn dự kiến ​​sẽ có hiệu lực ở nước này trong năm nay nhưng đã bị hoãn lại, và có thể sẽ được áp dụng vào năm tới với thời gian thực hiện là 1 hoặc 2 năm để mọi người thích ứng.

Thái Lan tăng thuế đồ uống có đường để cải thiện sức khỏe cộng đồngHạn chế béo phì, ASEAN thắt chặt kiểm soát đồ uống có đườngThái Lan bắt tay vào “cuộc chiến với đường”

Thái Lan nổi tiếng với ẩm thực đường phố, nhưng các món ăn đường phố thường chứa nhiều natri không tốt cho sức khoẻ. Ảnh: Bonappetour

Các cuộc khảo sát cho thấy của ngành y tế Thái Lan cho thấy một người Thái tiêu thụ trung bình 3,636mg natri mỗi ngày - khoảng 1,5 thìa cà phê muối - gần gấp đôi mức khuyến nghị 2 mg của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo Tiến sĩ Surasak, người Thái có văn hóa ăn thức ăn mặn, thịt lên men và nước mắm. Với thói quen đó, khoảng 10% dân số, tương đương với hơn 7 triệu người, bị suy thận mãn tính, một kết quả được cho là liên quan đến việc tiêu thụ nhiều natri. Các bệnh khác liên quan đến việc ăn quá nhiều muối bao gồm huyết áp cao, bệnh tim và tiểu đường, cũng phổ biến ở vương quốc này.

Ông Thanaphon Dokkaeo, chủ tịch một Hiệp hội về những người bị bệnh thận của Thái Lan cho biết tình hình hiện đang rất đáng lo ngại, khi số người chạy thận ngày càng tăng, và ngày càng có thêm nhiều người bị suy thận giai đoạn cuối.

Mục tiêu của Chính phủ Thái Lan khi đánh thuế muối là nhằm cắt giảm 20% lượng natri tiêu thụ hàng ngày trong vòng 10 năm. Trước đó, nước này cũng đã áp đặt thuế đường hồi năm 2017 nhằm giảm lượng đường trong đồ uống ngọt.

Một số quốc gia trên thế giới, chẳng hạn như Hungary, Bồ Đào Nha và Fiji, đã thực hiện đánh thuế đối với thực phẩm chế biến hoặc đóng gói có hàm lượng muối cao, trong khi nhiều quốc gia khác áp dụng các chiến lược giảm natri, chẳng hạn như dán nhãn dinh dưỡng bắt buộc, giáo dục người tiêu dùng… nhằm khuyến khích định dạng lại sản phẩm.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng việc đánh thuế muối sẽ phải đối mặt với một số thách thức, vì một gói mì ăn liền - một mặt hàng chủ lực ở Thái Lan - đã chứa đến 80% lượng muối tiêu thụ hàng ngày theo khuyến nghị của WHO.

Sự phổ biến của thực phẩm ăn liền và nhu cầu về gia vị có hàm lượng natri cao trong nấu ăn của người Thái sẽ gây khó khăn trong việc thuyết phục các nhà sản xuất định dạng lại các sản phẩm thành công hiện có, vì nó có thể ảnh hưởng đến hương vị và doanh số bán hàng của họ, bà Siradapat Ratanakorn, một nhà tư vấn tại công ty luật Tilleke & Gibbins's cho biết.

Bà Ratanakorn cũng cho rằng, một số công ty có thể chọn trả thuế muối thay vì cải cách sản phẩm của họ nếu khách hàng vẫn tiếp tục muốn mua những loại có hàm lượng muối cao hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Thực phẩm Thái Lan Tust Thangsombat đồng ý rằng các sản phẩm “truyền thống” và “đích thực” với hàm lượng muối cao hơn vẫn rất được yêu thích, giống như việc dù Coca-Cola có sản phẩm không đường Coke Zero, nhưng mọi người vẫn muốn sản phẩm ban đầu. Hơn nữa, không phải tất cả các công ty đều có thể cải tiến sản phẩm của họ và có thể đẩy gánh nặng thuế muối cho người tiêu dùng, ông nói thêm.

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp liên quan sẽ khó có thể phản đối loại thuế này, nhất là khi đây được coi là một biện pháp “vì lợi ích của người dân”.

Được biết, một số công ty ở Thái Lan đã sản xuất các sản phẩm tốt cho sức khỏe với hàm lượng natri thấp hơn, nhưng giá của những mặt hàng này thường cao hơn vì chúng nhắm vào nhóm khách hàng thích hợp.

Tiến sĩ Surasak cho biết, thuế muối sẽ chỉ ảnh hưởng đến ngành thực phẩm công nghiệp, chẳng hạn như mì ăn liền, đồ ăn mặn và thức ăn đông lạnh, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến các sản phẩm cơ bản như muối hoặc nước mắm.

Trong khi đó, bà Siradapat cho rằng, thói quen ăn uống của người Thái sẽ là một trở ngại khác cho mục tiêu giảm tiêu thụ muối. Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng 1/3 người Thái không tự nấu ăn ở nhà ba bữa mỗi ngày, trong khi 75% sẽ ăn trưa ở ngoài.

Thức ăn ưa thích của người Thái là thức ăn đường phố, đươc mua từ những người bán hàng nhỏ ven đường. Nhưng rõ ràng, thức ăn đường phố thì không có nhiều lựa chọn lành mạnh. Theo Tiến sĩ Surasak, thức ăn đường phố chiếm đến gần một nửa lượng natri tiêu thụ hàng ngày của người Thái.

Do đó, giới chức y tế Thái Lan khuyến khích người dân khi mua thức ăn từ những người bán hàng rong nên yêu cầu ít muối hoặc bột ngọt hơn. “Đây là điều mà người tiêu dùng và người bán hàng phải cùng nhau thực hiện”, Tiến sĩ Surasak nói.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ The Straits Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thái Lan cấm nhập khẩu phế liệu nhựa từ đầu năm 2025

Trong một nỗ lực nhằm ngăn ngừa các mối nguy hại đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, Bộ Ngoại thương Thái Lan thông báo nước này sẽ cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu phế liệu nhựa để sử dụng làm nguyên liệu thô trong các nhà máy công nghiệp kể từ ngày 1/1/2025.

Thái Lan cấm nhập khẩu phế liệu nhựa từ đầu năm 2025
New Zealand và Thái Lan lập lộ trình hướng tới quan hệ đối tác chiến lược

Trong khuôn khổ cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters và người đồng cấp phía Thái Lan là Ngoại trưởng Maris Samgiampongsa vừa diễn ra tại Auckland (New Zealand), hai nước đã đặt ra mốc thời gian táo bạo rằng năm 2026 sẽ nâng cấp quan hệ song phương lên mốc “Quan hệ đối tác chiến lược”.

New Zealand và Thái Lan lập lộ trình hướng tới quan hệ đối tác chiến lược
Thái Lan dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ tháng 1/2025

Reuters hôm nay (13/12) dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira cho biết nước này dự kiến ​​sẽ áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty đa quốc gia bắt đầu từ tháng 1/2025. Theo đó, chính phủ Thái Lan sẽ khẩn trương ban hành luật về việc thu thuế, Bộ trưởng Chunhavajira nêu rõ.

Thái Lan dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ tháng 1 2025
Thái Lan cảnh báo về 'Bệnh X' tại CHDC Congo

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Y tế Thái Lan đã gửi cảnh báo tới tất cả các văn phòng của mình về một đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm tại CHDC Congo vốn đã khiến hàng trăm người bị bệnh và ít nhất 79 người tử vong kể từ cuối tháng 10 đến nay.

Thái Lan cảnh báo về Bệnh X tại CHDC Congo
Return to top