Thế giới

Tiềm năng lớn của dược liệu Việt Nam tại thị trường Nhật Bản

ClockThứ Ba, 14/06/2022 15:30
Những dược liệu và gia vị của Việt Nam có tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản gồm vỏ động vật giáp xác (chiếm 14,9%), hạt tiêu đen (chiếm 9,3%) và hạt hoa hồi (4,1%).

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu và đầu tư vào CubaPhong tỏa chống dịch ở Việt Nam có thể giữ giá cà phê “tương đối cao” cho đến năm 2022

Đóng gói sản phẩm ở một nhà máy của Công ty Dược phẩm JPS (Nhật Bản). Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN

Trong những năm gần đây, xuất khẩu dược liệu của Việt Nam sang Nhật Bản đã tăng khá mạnh.

Theo thống kê của Hải quan Nhật Bản, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dược liệu của Việt Nam sang Nhật Bản lên tới 8,6 triệu USD.

Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết tiềm năng cho dược liệu Việt Nam ở Nhật Bản - nước tiêu thụ dược phẩm lớn thứ hai thế giới - vẫn còn rất lớn, nhất là khi thời gian gần đây, nhiều công ty dược phẩm của Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn nhập khẩu dược liệu của Việt Nam.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, cho tới thời điểm này, Nhật Bản đã nhập khẩu khá nhiều loại dược liệu của Việt Nam.

Các sản phẩm này bao gồm các loại cây và bộ phận của cây dùng làm dược liệu như cây gai dầu; các loại gia vị như tỏi đen, hạt tiêu đen, hồi, quế, gừng, nghệ; các loại hạt như hạt vừng và hạt quả hạch; các sản phẩm từ động vật giáp xác, động vật chết như mai mực, vỏ hàu, vỏ hà, gạc hươu, chất keo chế từ da trâu bò.

Trong số này, những dược liệu và gia vị của Việt Nam có tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản gồm vỏ động vật giáp xác (chiếm 14,9%), hạt tiêu đen (chiếm 9,3%) và hạt hoa hồi (4,1%).

Tuy nhiên, so với một số nước khác, dược liệu Việt Nam có thị phần khá khiêm tốn tại thị trường Nhật Bản khi mới chiếm 1,1% trên tổng kim ngạch nhập khẩu dược liệu của nước này.

Vì vậy, cơ hội cho các nhà sản xuất và xuất khẩu dược liệu của Việt Nam ở thị trường Đông Bắc Á này là rất lớn.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, nêu rõ: “Việt Nam có nguồn cung dược liệu khá dồi dào, với khoảng hơn 5.100 loài thực vật có công dụng làm thuốc. Tuy nhiên, hiện nay, xuất khẩu dược liệu của Việt Nam sang Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung chưa đáp ứng được tiềm năng và triển vọng so với nguồn cung.”

Điều đáng mừng là một số công ty dược phẩm Nhật Bản đã tỏ ý quan tâm tới nguồn dược liệu của Việt Nam.

Tham tán Tạ Đức Minh chia sẻ: “Hiện nay, có một số công ty dược phẩm Nhật Bản đang quan tâm tới dược liệu của Việt Nam. Họ đánh giá cao các loại dược liệu Việt Nam vì chúng vẫn còn nguyên bản, chưa bị lai tạo và được trồng tự nhiên."

Cùng chung quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Công ty Cổ phần Hasu No Hana - nhà phân phối sản phẩm độc quyền cho nhiều công ty dược phẩm Nhật Bản như Công ty Dược phẩm JPS và Công ty Công nghiệp Dược phẩm Nikko tại thị trường Việt Nam, nói: “Trong quá trình nhập khẩu thuốc đông y từ Nhật Bản về Việt Nam, tôi nhận thấy nhu cầu nhập dược liệu thô từ thị trường Nhật Bản rất lớn. Trong khi đó, nguồn dược liệu thô của Việt Nam rất phong phú nhưng lại hạn chế về đầu ra. Vì thế, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu thô Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.”

Mặc dù vậy, tại thị trường Nhật Bản, dược liệu của Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn từ nhiều đối thủ, nhất là Trung Quốc.

Tham tán Tạ Đức Minh cho biết: “Nhìn chung, Trung Quốc là quốc gia chiếm thị phần rất lớn ở hầu hết các sản phẩm dược liệu mà Việt Nam đang xuất khẩu sang Nhật Bản. Cá biệt có một số dược liệu mà Trung Quốc chiếm thị phần áp đảo như tỏi (91,3%); các loại cây dùng làm dược liệu (80,4%); gừng (74%); hạt hoa hồi (66,4%).”

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa dược liệu Việt Nam không có cơ hội tại thị trường này.

Ông Makoto Tamura, Giám đốc Nhà máy sản xuất Tochigi của Công ty Dược phẩm JPS, cho biết: “Công ty chúng tôi dự định mở rộng ra các dự án quốc tế. Vì thế, mặc dù trong giai đoạn hiện tại, chúng tôi không nhập khẩu nguyên liệu thuốc thô từ Việt Nam mà chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng thuốc là nguyên liệu thiên nhiên nên chúng tôi cũng dự định mở rộng nhập khẩu từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.”

Bên cạnh đó, Nhật Bản vẫn nổi tiếng vì có các quy định khá nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm được sử dụng làm thuốc chữa bệnh.

Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu dược liệu Việt Nam cần phải chú ý tới tất cả các khâu, từ quy hoạch vùng trồng, chăm sóc và thu hoạch dược liệu cho tới chế biến thô và bảo quản sau thu hoạch.

Một góc khu trưng bày dược liệu của Công ty Dược phẩm JPS (Nhật Bản). Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN

Ngoài ra, một khó khăn khác là ngành sản xuất dược liệu ở Việt Nam nói chung vẫn còn nhỏ lẻ và phân tán. Đây là lý do vì sao trong Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ban hành theo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ lại đặt ra mục tiêu xây dựng 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên và từ 2-5 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn, và phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa.

Trong bối cảnh đó, để khai thác tối đa cơ hội ở thị trường Nhật Bản, ông Minh cho rằng “Việt Nam cần phát triển các chuỗi sản xuất gắn với chế biến thay vì chỉ chế biến thô có hiệu quả thấp, đặc biệt là cần thu hút các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước rót vốn đầu tư, khuyến khích các hình thức M&A nhằm xây dựng các trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu ở quy mô lớn.”

Đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu dược liệu Việt Nam, ông Minh lưu ý họ cần “trồng các sản phẩm dược liệu mà thị trường Nhật Bản có nhu cầu, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất tại Việt Nam; quy hoạch vùng trồng ổn định, lâu dài và có quy mô lớn, tránh thu gom từ các vườn trồng nhỏ lẻ, phân tán dẫn đến chất lượng không đồng đều."

Bên cạnh đó, theo ông Minh, các nhà sản xuất và xuất khẩu cần đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, không có côn trùng gây bệnh, sản phẩm không được phép tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, các chất phụ gia mà Nhật Bản không cho phép. Họ cũng cần xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm gắn với sản xuất thay vì chế biến thô, hiệu quả thấp, đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác Nhật Bản để sản xuất các sản phẩm mà thị trường Nhật Bản cần.

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng khuyến cáo các công ty sản xuất và xuất khẩu dược liệu cần lưu ý tới vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ông Tamura nói: “Chúng tôi luôn tâm niệm rằng nguyên liệu thuốc là vô cùng quan trọng trong quá trình sản xuất thuốc... Vì vậy, chúng tôi rất coi trọng việc truy xuất nguồn gốc và nắm rõ thực tế sản xuất của các hộ nông dân trồng dược liệu".

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam

Dừng bước ở tứ kết trước U23 Iraq với tỷ số sít sao 0-1, U23 Việt Nam phần nào cho thấy những nỗ lực lớn, hoàn thành được mục tiêu tối thiểu trong tình thế khó khăn của bóng đá nước nhà. Các cầu thủ trẻ có tiềm năng phát triển nếu được trọng dụng và tạo điều kiện cọ xát.

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam

Ngày 30/4/1975, ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới, điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata, Argentina, ông Ezequiel Ramoneda khẳng định.

Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30 4 1975 của Việt Nam
Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Đón dòng vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam

Năm 2024 được dự báo là điểm khởi đầu của làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lần thứ tư vào Việt Nam. Nhiều địa phương đã chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón dòng vốn ngoại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đón dòng vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam
Return to top