Cần nỗ lực tìm chỗ đứng vững chắc cho nền kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa: Dân trí
Sau khi chứng kiến sự tăng trưởng đáng thất vọng trong năm 2019, lãnh đạo các nước bắt đầu nhìn thấy những dấu hiệu của sự tái ổn định và giảm rủi ro, bao gồm cả thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc. Hồi tháng 1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng sẽ tăng từ mức 2,9% trong năm 2019 lên thành 3,3% trong năm 2020 và tiếp tục chạm ngưỡng 3,4% chỉ một năm sau đó. Mức tăng trưởng dự kiến này phụ thuộc vào hiệu suất tăng trưởng được cải thiện ở một số thị trường mới nổi và các ngành kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, mặc dù chính sách tiền tệ và tài khóa đã và đang thực hiện nhiệm vụ của mình, song nền kinh tế thế giới nhìn chung vẫn còn cách xa nền tảng vững chắc. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh khi một số bất ổn vừa được giải quyết, những thách thức, rào cản mới đã và đang bắt đầu xuất hiện. Một sự thật cần được các nước nhìn nhận là sự bất ổn đang trở thành một vấn đề quen thuộc.
Theo nhận định của lãnh đạo các nước, dịch COVID-19 là “sự bất ổn” to lớn nhất, cấp bách nhất vào thời điểm hiện tại mà con người không thể lường trước được. Có thể nói, khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng này là một lời nhắc nhở, cảnh tỉnh nghiêm túc dành cho mọi quốc gia trên thế giới về nguy cơ sự tăng trưởng, phục hồi mong manh của đất nước hoàn toàn có thể bị đánh bại bởi một sự kiện bất ngờ.
Nếu sự gián đoạn gây nên do dịch COVID-19 sớm kết thúc, nhiều quốc gia đều bày tỏ hy vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ sớm phục hồi. Đương nhiên, sau dịch, hậu quả mà cường quốc này phải đối mặt sẽ là sự sụt giảm mạnh mẽ trong tăng trưởng GDP của quý I/2020. Tuy nhiên, trong trường hợp này, mức giảm tăng trưởng được nhận định vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ so với cả năm 2020, vốn chỉ mới bắt đầu. Ảnh hưởng đối với các nước khác trên toàn cầu chỉ là ảnh hưởng ngắn hạn, chủ yếu là do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng tạm thời, du lịch ảm đạm và hạn chế đi lại.
Viễn cảnh thứ hai cần đề cập đến là nếu dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài hơn so với dự kiến sẽ dẫn đến sự giảm tăng trưởng sắc nét hơn ở Trung Quốc. Tác động toàn cầu của nó sẽ được khuếch đại thông qua sự gián đoạn dài hơi của chuỗi cung ứng, cùng lúc khiến niềm tin của nhà đầu tư giảm mạnh, đặc biệt là trong tình trạng dịch bệnh đã và đang lây lan mạnh ra nhiều nước ngoài Trung Quốc như hiện nay.
Mặc dù đã lường trước cả hai tình huống, song giới chuyên gia vẫn cho rằng, ngay cả trong viễn cảnh tích cực nhất thì tốc độ tăng trưởng toàn cầu dự kiến vẫn quá khiêm tốn ở rất nhiều nơi. Về tương lai trung hạn, tăng trưởng toàn cầu vẫn ở mức dưới trung bình.
Nhận định về tình hình này, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, bên cạnh những diễn biến bất ngờ khó xoay chuyển trong khủng hoảng sức khỏe, các bộ trưởng và thống đốc ngân hàng trung ương cũng có thể đảm bảo hành động chắc chắn trong một số lĩnh vực khác bao gồm thương mại, khí hậu và bất bình đẳng để đảm bảo chỗ đứng cho tương lai toàn cầu.
Xây dựng hệ thống giao dịch toàn cầu tốt hơn và xử lý biến đổi khí hậu
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc đã loại bỏ một số hậu quả tiêu cực đối với tăng trưởng toàn cầu. Theo ước tính, thỏa thuận sẽ hỗ trợ giảm 0,2% áp lực từ căng thẳng thương mại áp lên GDP 2020.
Trả lời cho câu hỏi vì sao không thể giảm áp lực nhiều hơn, câu trả lời là bởi vì thỏa thuận giai đoạn 1 giữa hai cường quốc Mỹ, Trung Quốc chỉ giải quyết một phần nhỏ thuế quan áp đặt trong thời gian gần đây và vẫn còn nhiều vấn đề cơ quan giữa hai nước chưa được giải quyết.
Do đó, các nước được kêu gọi triển khai nhiều hành động hơn, nhất là khi thế giới cần một hệ thống thương mại toàn cầu hiện đại, có thể giải phóng toàn bộ tiềm năng của dịch vụ và thương mại điện tử, song vẫn đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.
Về khí hậu, con người đối mặt với biến đổi khí hậu mỗi ngày. Mới gần đây nhất là hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra ở Australia....
Các nhân viên IMF thống kê cho thấy, một thảm họa tự nhiên liên quan đến khí hậu làm giảm trung bình 0,4% mức tăng trưởng của các quốc gia chịu ảnh hưởng. Đáng lo ngại là tần suất của thiên tai đang thường xuyên hơn, đặc biệt gặp nhiều ở các nước nghèo và các nước ít có khả năng đối phó với tác động.
Để giải quyết vấn đề này, các nước, đặc biệt là khối G20 có thể tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng linh hoạt. Thêm vào đó, các khoản thu thuế Carbon bổ sung có thể được sử dụng nhằm cắt giảm thuế ở một số nơi, sau đó dùng chính khoản thuế này hỗ trợ tài chính cho các gia đình chịu ảnh hưởng... Đối với những quốc gia và cộng đồng dễ xảy ra thiên tai, đầu tư vào khả năng thích ứng là rất cần thiết và tạo nên nhiều hiệu quả tích cực.
Giảm bất bình đẳng
Trên khắp các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và khối G20, bất bình đẳng thu nhập vẫn còn rất cao. Khoảng cách về giới tính, tuổi tác và địa lý cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Sau thời gian, những khoảng trống này sẽ trở thành những kẽ hở gây nên tình trạng không chắc chắn về tương lai, mất lòng tin về chính phủ và tăng tình trạng bất ổn xã hội.
Nhằm giải quyết vấn đề này cho khối G20, IMF đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) xác định những lĩnh vực cẩn ưu tiên khắc phục. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư vào giáo dục chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển (R&D) và số hóa. Bằng nhiều cách, các quốc gia đều có thể tăng khả năng tiếp cận với môi trường sống, điều kiện sống tốt đẹp hơn cho công dân, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc hơn cho mỗi quốc gia nói riêng và thế giới nói chung.
HẠNH NHI
(Lược dịch từ IMF Blog)