|
|
Các bể chứa nước thải tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Ông Grossi cho biết không có vấn đề nào đáng lo ngại sau khi tiến hành khảo sát nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại sau thảm họa kép động đất và sóng thần hồi năm 2011. Ông Grossi cũng khánh thành một văn phòng của IAEA tại khuôn viên của nhà máy để giám sát hoạt động xả thải dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 30 đến 40 năm.
Mặc dù vậy, ông Grossi thừa nhận có những quan ngại về tác động của việc xả thải đối với kinh tế, môi trường và xã hội. Lãnh đạo IAEA cho biết ông sẽ đến Hàn Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương để giải thích rằng nước thải đã qua xử lý sẽ không gây hại môi trường.
Trước đó, ngày 4/7, IAEA đã công bố kết quả đánh giá mà cơ quan này tiến hành trong 2 năm qua cho thấy kế hoạch xả thải nói trên của Nhật Bản phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về độ an toàn. Kết luận này của IAEA là một dấu mốc quan trọng đối với quá trình cho dừng hoạt động nhà máy Fukushima.
Sau khi đánh giá của IAEA được công bố, tờ Nikkei đưa tin Chính phủ Nhật Bản đang xem xét bắt đầu tiến hành xả nước thải từ nhà máy Fukushima ra biển sớm nhất vào tháng 8 tới. Dự kiến, cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản phê duyệt chính thức kế hoạch này vào ngày 7/7. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh Nhật Bản sẽ cố gắng để kế hoạch xả thải được sự chấp thuận ở cả trong nước và quốc tế.
Mỹ đã bày tỏ hoan nghênh kết quả đánh giá của IAEA về kế hoạch xả thải của Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 5/7 đánh giá cao sự hợp tác của Nhật Bản với IAEA, đồng thời ghi nhận Chính phủ Nhật Bản đã minh bạch về kế hoạch này và quá trình triển khai kế hoạch xả thải dựa trên các tính toán khoa học.
Tuy nhiên, một số nước láng giềng đã bày tỏ quan ngại về mối đe dọa đối với môi trường. Ngày 5/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết các cơ quan hữu quan của Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát môi trường biển và kiểm tra các mặt hàng thủy hải sản nhập khẩu. Hiện Trung Quốc vẫn duy trì lệnh cấm nhập khẩu thủy hải sản từ 10 tỉnh của Nhật Bản, trong đó có tỉnh Fukushima. Các mặt hàng thủy hải sản nhập khẩu từ các tỉnh thành khác của Nhật Bản phải qua kiểm tra để đảm bảo không chứa chất phóng xạ và phải có giấy tờ chứng minh sản phẩm không xuất xứ từ 10 tỉnh trong danh sách cấm.
Trong khi đó, Hàn Quốc dự kiến ngày 7/7 sẽ công bố đánh giá riêng của nước này về kế hoạch xả thải nói trên của Nhật Bản.
Tờ Mainichi của Nhật Bản đưa tin Thủ tướng Kishida có thể sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol để giải thích về kế hoạch xả thải nói trên nhân dịp tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Litva vào tuần tới. Trong khi đó, theo tờ Yomiuri, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cũng đang chuẩn bị có cuộc gặp với những người đồng cấp Trung Quốc và Hàn Quốc bên lề một hội nghị cấp cao của khu vực vào giữa tháng 7 này.
Trước đó, công ty điện lực Tokyo (TEPCO), cơ quan vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đã hoàn tất việc xây dựng hệ thống xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy ra biển. TEPCO cho biết nước nhiễm phóng xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã được lọc qua hệ thống ALPS, loại bỏ hầu hết 62 nguyên tố phóng xạ trong nước, bao gồm cesium và stronti, nhưng vẫn tồn tại nguyên tố tritium. Tritium được cho là ít gây rủi ro đối với sức khỏe con người và môi trường vì phát ra tia bức xạ rất yếu, khó có thể xuyên qua da người. Tritium cũng khó tích tụ trong cơ thể sống. TEPCO có kế hoạch pha loãng nước xả thải với nước biển để giảm mức độ tritium có trong nước, giữ mức này thấp hơn 1/40 tiêu chuẩn an toàn quốc gia của Nhật Bản.