|
Cần tăng cường tỷ lệ đăng ký khai sinh cho trẻ để đảm bảo quyền lợi sau này. Ảnh minh họa: Báo Công an Nhân dân Online |
Một trong những lợi ích quan trọng nhất mà một quốc gia có thể mang lại cho người dân của mình là đăng ký hộ tịch. Trong đó, hệ thống đăng ký dân sự và thống kê ghi lại chính xác các thông tin quan trọng về cuộc sống của một người liên quan đến ngày sinh, kết hôn, tử vong và là nền tảng để đảm bảo danh tính pháp lý, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, bảo vệ nhân quyền và quản trị hiệu quả. Tầm quan trọng nổi bật của hệ thống đăng ký hộ tịch với tư cách là nguồn dữ liệu đã được thể hiện rõ trong đại dịch COVID-19, khi có sự khác biệt đáng kể giữa số ca tử vong do COVID-19 được báo cáo (5,4 triệu trường hợp) trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 - 12/2021 và số ca tử vong vượt mức ước tính (14,9 triệu trường hợp) trong cùng kỳ.
Một chỉ số đặc biệt quan trọng là đăng ký khai sinh. Đây là điểm khởi đầu cho hầu hết các hệ thống dân sự. Không đăng ký khai sinh thường sẽ kéo theo các rào cản trong việc tiếp cận tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe trẻ em, đi học và giáo dục đại học.
Có một thực tế là các trẻ em sinh ra trong các gia đình nghèo có nhiều khả năng không được đăng ký khai sinh, dẫn đến sự phân biệt đối xử suốt đời, bị gạt ra ngoài lề xã hội…
Tuy nhiên, vẫn có nhiều quốc gia đã và đang xử lý tốt vấn đề này. Trong đó, 19 quốc gia đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương đã báo cáo ít nhất 90% số ca sinh được đăng ký khai sinh vào năm 2022. Trong loạt bài thống kê cơ bản của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quần đảo Cook vào năm 2017 và Uzbekistan vào năm 2022 đã báo cáo tỷ lệ đăng ký khai sinh là 100%.
Mặc dù vậy, thách thức vẫn còn. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, hơn 1,1 tỷ người trên toàn cầu vẫn không thể chứng minh được họ là ai. Cùng với đó, dữ liệu thống kê cơ bản của ADB cũng thông tin, nhiều quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Bangladesh, Pakistan và Papua New Guinea vẫn đang gặp khó khăn trong việc đăng ký thông tin cho hơn 60% trẻ sơ sinh trong nước.
Trên toàn khu vực, đăng ký hộ tịch đóng một vai trò quan trọng trong việc tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm và bảo trợ xã hội. Chính những người nghèo và người bị tước đoạt tài sản phải chịu thiệt hại một cách không tương xứng vì không được đăng ký khai sinh. Vì vậy, nâng cao tỷ lệ đăng ký khai sinh là một yêu cầu phát triển cấp thiết.
Khi đối chiếu dữ liệu từ các chỉ số phát triển bền vững (SDG), chẳng hạng như SDG 3.1.2, mô tả tỷ lệ ca sinh được nhân viên y tế có tay nghề chăm sóc, điều thú vị đã xuất hiện.
Cụ thể, theo thống kê cơ bản của ADB, các quốc gia như Papua New Guinea, Bangladesh và Pakistan có tỷ lệ đăng ký khai sinh thấp thì cũng có tỷ lệ ca sinh được nhân viên y tế có tay nghề chăm sóc thấp nhất.
Ngược lại, nơi mà tỷ lệ nhân viên y tế có mặt để hỗ trợ sản phụ trong quá trình sinh cao thì mức độ đăng ký khai sinh tương ứng cũng cao. Vì vậy, có một mối liên hệ rõ ràng giữa 2 yếu tố này.
Được biết, trong hầu hết các hệ thống đăng ký hộ tịch, ngành y tế đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin. Một phần công việc của các chuyên gia y tế là báo cáo chính xác việc sinh và tử cho cơ quan đăng ký dân sự.
Trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, đã có nhiều chương trình quốc gia nhằm tăng cường đăng ký khai sinh, thường tập trung vào các chiến dịch nâng cao nhận thức, triển khai công nghệ mới và đơn giản hóa thủ tục. Tuy nhiên, kết quả có lúc tốt lúc xấu.
Một số cách có thể theo đuổi mục tiêu này bao gồm xây dựng bệnh viện với các khu dịch vụ phẫu thuật và chăm sóc thai sản hiện đại; cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế cho cộng đồng nông thôn; cùng với đó là phát triển đội ngũ nhân viên và đào tạo những người hộ sinh có tay nghề cao. Những cách thức được đưa ra nhằm mục tiêu hỗ trợ cho các cộng đồng dễ bị tổn thương và dân tộc thiểu số cũng rất quan trọng.