Italy chứng kiến triển vọng tăng trưởng suy giảm đáng kể kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo Reuters, Nội các của Thủ tướng Italy Mario Draghi đã thông qua việc triển khai gói kích thích trị giá 14 tỷ euro (14,71 tỷ USD), từ việc bảo lãnh của nhà nước đối với các khoản vay ngân hàng cho đến khoản hỗ trợ một lần trị giá 200 euro cho hàng triệu người dân Italy có thu nhập thấp và trung bình.
Khoản kinh phí mới này nằm ngoài khoảng ngân sách 15,5 tỷ euro đã được đưa ra hồi tháng Giêng để giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình chia sẻ khoản chi phí về giá điện, khí đốt và xăng dầu.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Draghi khẳng định “các biện pháp kích thích này sẽ giải quyết tất cả vấn đề về giá cả sinh hoạt đang làm đau đầu hầu hết người dân của chúng tôi. Cam kết của chính phủ trong việc hỗ trợ nền kinh tế, các gia đình và doanh nghiệp vẫn mạnh mẽ, kiên định và dứt khoát”.
Bất chấp áp lực của liên minh và công đoàn trong việc tăng vay nợ để đối phó với suy thoái, Bộ Tài chính Italy vẫn muốn đạt được mục tiêu đặt ra trước đó là giảm thâm hụt ngân sách từ mức 7,2% GDP trong năm 2021 xuống còn 5,6% GDP trong năm nay.
Được biết, khoảng 6 tỷ euro trong gói kích thích mới này sẽ được tài trợ từ việc đánh thuế lợi nhuận “tăng thêm” của các công ty năng lượng khi giá dầu và khí đốt tăng cao.
Bộ trưởng Kinh tế Daniele Franco cho biết mức thuế 10% hiện hành đối với các nhà sản xuất và bán các sản phẩm điện, khí đốt tự nhiên và xăng dầu sẽ được tăng lên 25%. Tổng cộng, Chính phủ Italy dự kiến sẽ thu được 10 tỷ euro từ khoản thuế này trong năm nay.
Ngoài ra, 6 tỷ euro tiếp theo sẽ được rút ra từ việc nới lỏng ngân sách được công bố hồi tháng 4, do nguồn thu từ thuế cao hơn và chi tiêu thấp hơn dự kiến ban đầu.
Là quốc gia phụ thuộc nhiều vào Moscow về nguồn năng lượng, Italy đã chứng kiến triển vọng tăng trưởng suy giảm đáng kể kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine. Dữ liệu cho thấy nền kinh tế Italy đã giảm 0,2% trong quý I/2022 so với quý trước đó. Tổng sản phẩm quốc nội giảm khiến Italy trở thành ngoại lệ trong khu vực đồng euro, vốn có mức tăng GDP trung bình là 0,2%.
Theo tin từ Reuters, trong tổng cộng 14 tỷ euro của gói chi tiêu mới nhất này, khoảng 3 tỷ euro sẽ được dành để giúp các công ty xây dựng đối phó với chi phí nguyên vật liệu và giá năng lượng tăng cao trong năm nay. Chính phủ Italy cũng đã gia hạn việc cắt giảm 25 xu/lít thuế tiêu thụ đặc biệt đối với giá nhiên liệu tại trạm bơm cho đến ngày 8/7 tới, thay vì đã hết hạn vào hôm qua.
Song song đó, tận dụng việc Liên minh châu Âu nới lỏng tạm thời các quy định về viện trợ nhà nước, Italy đưa ra các bảo lãnh công khai về các khoản vay ngân hàng và tài trợ lên tới 400.000 euro cho hàng nghìn công ty bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt với Nga.
Gói này cũng bao gồm các biện pháp nhằm khắc phục sự phụ thuộc của Italy vào nguồn khí đốt của Nga vào giữa năm 2024, trong đó có việc kéo dài tuổi thọ của 4 nhà máy nhiệt điện than lên đến 2 năm và đẩy nhanh việc triển khai các nguồn điện tái tạo.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)