Thế giới

Tiết kiệm năng lượng, Italy đặt giới hạn nhiệt độ hệ thống điều hoà

ClockThứ Hai, 02/05/2022 18:59
TTH.VN - Người dân Italy có thể phải đối mặt với một mùa hè nóng bức kéo dài khi chính phủ nước này vừa đề xuất một kế hoạch hạn chế mức nhiệt trong các hệ thống điều hòa nhiệt độ ở trường học và công sở không được xuống thấp hơn 25 độ C.

Hành động chặt chẽ để giải quyết khủng hoảng làm mát ở châu ÁGia tăng nhu cầu toàn cầu về máy điều hòa không khí

Hệ thống điều hoà ở các toà nhà công cộng của Italy sẽ không được đặt dưới 25 độ C. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Được gọi là “bộ điều chỉnh nhiệt độ vận hành”, nội dung sửa đổi sắc lệnh về sử dụng năng lượng được Chính phủ Italy đề xuất nhằm giúp nước này tiết kiệm năng lượng và giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Mặc dù chưa phải là luật, nhưng ủy ban môi trường và kinh doanh của chính phủ đã phê duyệt nội dung sửa đổi sắc lệnh này.

Theo ông Renato Brunetta, Bộ trưởng Bộ Hành chính Công Italy, các quy định mới có thể giúp tiết kiệm từ 2 - 4 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2022, gần bằng mức tiêu thụ khí đốt trung bình hàng năm của 2,7 triệu ngôi nhà.

Thủ tướng Italy Mario Draghi cũng cho biết nếu EU quyết định áp đặt lệnh cấm vận đối với khí đốt của Nga và nguồn cung bị đình chỉ từ lúc này, thì lượng năng lượng dự trữ của nước này sẽ có thể kéo dài đến cuối tháng 10 tới. Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Draghi cho rằng việc cắt giảm hệ thống điều hòa không khí và sưởi ấm có thể là một trong những cách để giảm tiêu thụ năng lượng trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay.

Italy nhập khẩu đến 95% tổng lượng khí đốt mà nước này sử dụng và 40% trong số đó đến từ Nga. Nước này đã tìm kiếm các lựa chọn thay thế, bao gồm các thỏa thuận mới để nhập khẩu khí đốt từ Angola, Algeria và Cộng hòa Congo.

Italy từng tuyên bố có thể phải mất đến 2 năm để chấm dứt sự phụ thuộc của nước này vào nguồn năng lượng nhập khẩu của Nga, nhưng giữa tháng trước, các bộ trưởng Italy lạc quan tin rằng quá trình này có thể được rút ngắn còn 18 tháng.

Theo thông tin được Reuters dẫn lại từ tờ báo tiếng Italy Corriere della Sera, các quy định này bắt đầu có hiệu lực từ hôm qua (1/5) và sẽ kéo dài đến ngày 31/3/2023.

Trước đây, giới chức các địa phương tại Italy đã có thể chỉ định những tháng trong năm được sử dụng các hệ thống làm mát hoặc sưởi ấm nhưng chưa được phép giới hạn nhiệt độ cài đặt với các hệ thống làm mát hoặc sưởi ấm ở các tòa nhà công. Sắc lệnh sửa đổi mới sẽ thay đổi điều đó.

Ngoài việc giới hạn điều hòa không khí không xuống dưới 27 độ C trong mùa hè, hệ thống sưởi trong các tòa nhà công cộng cũng sẽ không được đặt quá 19 độ C trong mùa đông. Tuy nhiên, chính phủ cho phép biên độ dao động 2 độ C, nghĩa là các tòa nhà công cộng sẽ không được làm mát dưới 25 độ C hoặc được làm sưởi ấm quá 21 độ C.

Được biết, quy tắc “bộ điều chỉnh nhiệt độ vận hành” đến nay được áp dụng cho các trường học, bưu điện và các tòa nhà chính phủ khác trong nước. Những người không tuân thủ có thể sẽ bị phạt tiền từ 500 – 3.000 euro.

Các quy tắc này sẽ không áp dụng cho các bệnh viện hoặc viện dưỡng lão. Tuy nhiên, chính phủ hy vọng rằng các công ty tư nhân và người dân sử dụng điều hoà trong nhà riêng cũng sẽ tuân theo các mức giới hạn này để hỗ trợ nỗ lực tiết kiệm năng lượng.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm lại các kế hoạch hoà bình cho xung đột Nga – Ukraine

Khi phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) sắp kết thúc vào tuần trước, Trung Quốc và Brazil đã tổ chức một cuộc họp bên lề với sự tham dự của 17 thành viên. Mục đích của cuộc họp kín ngày 27/9 là tập hợp sự ủng hộ cho kế hoạch hòa bình về xung đột Ukraine.

Điểm lại các kế hoạch hoà bình cho xung đột Nga – Ukraine
Italy chật vật ứng phó với dịch tả lợn

Ông Alberto Cavagnini - chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở Italy đã phải tiêu hủy hơn 1.600 con lợn của mình do dịch tả lợn, một loại virus đe dọa ngành công nghiệp thịt lợn trị giá 20 tỷ euro của Italy, bao gồm cả món thịt lợn muối sấy khô (prosciutto) nổi tiếng thế giới của nước này.

Italy chật vật ứng phó với dịch tả lợn
Return to top