Thế giới

Trung Quốc bùng phát dịch “viêm phổi chưa được chẩn đoán” ở trẻ em

ClockThứ Năm, 23/11/2023 20:00
TTH.VN - Theo nhiều báo cáo, các bệnh viện ở Trung Quốc đang “quá tải trẻ em bị bệnh” khi dịch viêm phổi bùng phát ở nhiều thành phố trên cả nước, bao gồm cả Bắc Kinh.

Trung Quốc ghi nhận thêm 4 ca nhiễm virus viêm phổi lạBệnh viêm phổi lạ tại Vũ Hán, Trung Quốc do chủng virus mới gây raTrung Quốc bùng phát dịch viêm phổi nghi do SARS

 Trung Quốc đang chứng kiến nhiều trẻ em mắc bệnh viêm phổi chưa được chẩn đoán. Ảnh minh họa: Laodong

ProMED - một hệ thống giám sát lớn của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Quốc tế nhằm theo dõi sự bùng phát dịch bệnh ở người và động vật trên toàn thế giới -  đã đưa ra thông báo vào cuối ngày 21/11 nêu chi tiết về một dịch bệnh được báo cáo là “viêm phổi chưa được chẩn đoán” ở trẻ em.

Chính ProMED hồi cuối tháng 12/2019 cũng đã đưa ra cảnh báo về một loại virus bí ẩn sau này có tên Sars-CoV-2, thu hút sự chú ý của nhiều bác sĩ và nhà khoa học, bao gồm cả các quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo ProMED, các báo cáo về số ca viêm phổi tăng đột biến ở Trung Quốc hiện nay giống một cách kỳ lạ với các báo cáo ban đầu về đợt bùng phát bệnh viêm phổi bí ẩn vào cuối năm 2019 tại Vũ Hán, báo trước sự xuất hiện của COVID-19.

Các phương tiện truyền thông đưa tin cho biết các bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh và Liêu Ninh đang gặp nhiều khó khăn khi làn sóng trẻ bị viêm phổi tiếp tục đổ vào bệnh viện. Các báo cáo cũng cho biết dịch viêm phổi bùng phát đã dẫn đến việc đóng cửa trường học và một số giáo viên bị nhiễm bệnh.

“Rất nhiều trẻ em phải nhập viện”, ông Wei, một công dân Bắc Kinh nói. “Chúng không ho và không có triệu chứng, chúng chỉ bị sốt cao và phát triển nhiều nốt sần ở phổi”.

Các cảnh báo nói thêm rằng cần có thông tin chính xác hơn để xác định nguyên nhân và phạm vi phát triển của dịch bệnh này.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát suy đoán đợt bùng phát có thể liên quan đến Mycoplasma pneumoniae - thường gọi là “viêm phổi không điển hình”, được cho là đang gia tăng khi Trung Quốc bước vào mùa đông đầu tiên không áp dụng lệnh các biện phát kiểm soát nghiêm ngặt vì COVID-19.

Nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Anh và Mỹ, đã chứng kiến sự gia tăng tương tự về các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus hợp bào hô hấp RSV và cúm… sau khi các hạn chế về đại dịch được dỡ bỏ, khi tình trạng lưu thông bị ức chế kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của người dân.

Các triệu chứng của bệnh viêm phổi không điển hình - thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ - bao gồm đau họng, mệt mỏi và ho có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng. Trong trường hợp nghiêm trọng, tình trạng này có thể chuyển nặng hơn thành viêm phổi.

Tháng trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin các bệnh viện trên toàn quốc đang chứng kiến số ca nhiễm bệnh gia tăng, với các cụm ca bệnh thường xuất hiện ở các trường học và nhà trẻ.

“Đây là làn sóng nhiễm Mycoplasma pneumoniae đầu tiên kể từ khi hầu hết các biện pháp ngăn chặn COVID-19 được dỡ bỏ vào đầu năm nay”, bà Chu Huixia, Giám đốc trung tâm y tế trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa PLA Trung Quốc, nói và cho biết thêm rằng làn sóng nhiễm bệnh xuất hiện đặc biệt dữ dội kể từ sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh đầu tháng 10. “So với những năm trước, chúng tôi phát hiện nhiều bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng hỗn hợp, kháng thuốc và viêm phổi thùy hơn”, bà Huixia cho hay.

Sự gia tăng gần đây của Mycoplasma pneumoniae cũng làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng tăng, vì vi khuẩn này ngày càng “qua mặt” macrolide - một nhóm thuốc kháng sinh được ưa chuộng ở Trung Quốc, và nước này có tỷ lệ kháng thuốc cao nhất thế giới.

Một nghiên cứu từ tháng 2/2022 cho thấy tình trạng kháng macrolide được xác định ở hơn 80% số trẻ em nhập viện vì viêm phổi do Mycoplasma ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh rằng cho đến nay, rất ít trẻ em tử vong vì bệnh “viêm phổi không điển hình”.

Bác sĩ nhi khoa Hua Shaodong tại Bệnh viện Nhi Bắc Kinh cho biết “có một số lượng lớn bệnh nhân mắc bệnh nặng, nhưng có rất ít trường hợp nguy kịch và cho đến nay, không có trường hợp tử vong liên quan nào. Trung bình, các bệnh nhân sẽ nằm viện từ khoảng 7 - 14 ngày”.

WHO yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết

Tổ chức Y tế Thế giới ngày 22/11 đã chính thức yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin chi tiết về sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp và báo cáo các cụm bệnh viêm phổi ở trẻ em.

Trong một tuyên bố, WHO cho biết chính quyền Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 13/11 để báo cáo sự gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp ở nước này.

Theo đó, Trung Quốc cho rằng sự gia tăng này là do việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến COVID-19 và sự lây lan của các mầm bệnh đã biết như cúm, Mycoplasma pneumoniae, virus hợp bào hô hấp RSV, cũng như virus gây ra bệnh COVID-19.

Chính quyền Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường giám sát dịch bệnh tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe và môi trường cộng đồng, cũng như tăng cường năng lực của hệ thống y tế để quản lý bệnh nhân.

WHO cho biết đã đề nghị Trung Quốc cung cấp thêm thông tin dịch tễ học và lâm sàng, cũng như kết quả xét nghiệm từ những đợt bùng phát được báo cáo ở trẻ em này, thông qua cơ chế Quy định Y tế Quốc tế. Đồng thời, WHO cũng yêu cầu có thêm thông tin về xu hướng lây lan của các mầm bệnh đã biết và gánh nặng hiện tại đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Kể từ giữa tháng 10, WHO cho biết miền bắc Trung Quốc đã ghi nhận các ca bệnh giống cúm gia tăng so với cùng kỳ 3 năm trước.

Được biết, Trung Quốc đã có hệ thống để nắm bắt thông tin về xu hướng tỷ lệ mắc bệnh và báo cáo dữ liệu đó cho các nền tảng như Hệ thống ứng phó và giám sát cúm toàn cầu.

Trong khi tìm kiếm thêm thông tin, WHO khuyến nghị người dân ở Trung Quốc nên tuân theo các biện pháp để giảm nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp, bao gồm cả tiêm chủng, giữ khoảng cách với những người nhiễm bệnh, xét nghiệm và chăm sóc y tế khi cần thiết, đeo khẩu trang phù hợp, đảm bảo thông gió tốt… và rửa tay thường xuyên.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ The Telegraph & Reuters)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

WHO ban hành hướng dẫn điều trị lâm sàng đầu tiên về cai thuốc lá

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa khuyến nghị một loạt các biện pháp can thiệp cai thuốc lá toàn diện, bao gồm hỗ trợ hành vi bởi các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các biện pháp can thiệp cai thuốc lá kỹ thuật số, và các phương pháp điều trị bằng thuốc trong hướng dẫn đầu tiên về cai thuốc lá.

WHO ban hành hướng dẫn điều trị lâm sàng đầu tiên về cai thuốc lá
Trao học bổng cho 100 học sinh nghèo vượt khó tiêu biểu

Tiếp nối thành công của chương trình được tổ chức định kỳ hàng năm từ 2013 đến nay, ngày 28/6, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Công tác Xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức lễ trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tiêu biểu năm 2024.

Trao học bổng cho 100 học sinh nghèo vượt khó tiêu biểu
Return to top