|
|
Một lô ô tô Trung Quốc tại cảng chờ xuất khẩu. Ảnh: SMCP/Dantri |
“Trung Quốc đã thu hút mọi sự chú ý trong thời đại dịch khi vượt qua Hàn Quốc vào năm 2021 và Đức vào năm 2022, trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn thứ hai”, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's cho biết trong một báo cáo tuần trước.
Báo cáo tiết lộ Trung Quốc hiện đang áp sát Nhật Bản, đồng thời cho biết thêm rằng mức chênh lệch trung bình giữa số xe xuất khẩu của Nhật Bản và Trung Quốc là khoảng 70.000 xe/tháng trong quý II vừa qua, giảm nhiều so với gần 171.000 xe trong cùng kỳ năm ngoái.
“Với tốc độ này, Trung Quốc đang trên đà vượt qua Nhật Bản vào cuối năm nay”, các nhà kinh tế của Moody’s viết. Nhật Bản đã thống trị vị trí số 1 của bảng xếp hạng toàn cầu này từ năm 2019.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, số xe ô tô xuất khẩu của nước này đã vượt qua Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2023 để vươn lên vị trí đứng đầu thế giới. Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất khẩu 2,341 triệu xe ô tô, tăng 76,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số liệu do Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản công bố cho thấy số xe ô tô xuất khẩu của nước này trong cùng thời kỳ là 2,02 triệu chiếc, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022.
Lợi thế cạnh tranh
Theo ông Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội xe khách Trung Quốc, thành tích này được thúc đẩy bởi “sự tăng trưởng bùng nổ” của xuất khẩu xe điện, đẩy lượng xuất khẩu ô tô tổng thể từ Trung Quốc vượt quá mức trước đại dịch.
Thật vậy, các thương hiệu xe điện Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh hoạt động ra nước ngoài, mạo hiểm không chỉ vào các thị trường mới nổi mà cả các thị trường phương Tây đầy cạnh tranh khốc liệt.
Số liệu cho thấy trong nửa đầu năm 2023, doanh thu xuất khẩu xe điện của Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Để so sánh, xuất khẩu ô tô tổng thể từ Nhật Bản và Thái Lan - bao gồm cả ô tô truyền thống và xe điện - vẫn chưa thấy sự trở lại mức trước đại dịch.
Xe điện đã nổi lên như một lĩnh vực quan trọng mà Trung Quốc mong muốn khẳng định mình là quốc gia dẫn đầu toàn cầu, phần lớn nhờ vào sự thống trị của nước này đối với chuỗi cung ứng pin vốn phức tạp. Để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các khoản trợ cấp và hỗ trợ chính sách hào phóng để phát triển lĩnh vực này.
Theo Reuters, Trung Quốc tự hào có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất pin lithium-ion, điều mà Moody’s cho là yếu tố mang lại lợi thế cho các nhà sản xuất ô tô trong nước khi nói đến chi phí sản xuất xe điện.
Theo dự đoán của Moody, Trung Quốc sản xuất hơn một nửa nguồn cung lithium của thế giới, nhờ chi phí lao động thấp so với các đối thủ Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc cũng tự hào chiếm hơn một nửa công suất tinh luyện kim loại của thế giới.
Thật vậy, tốc độ nắm bắt các công nghệ mới trong ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc là “không gì sánh kịp”, các nhà kinh tế nhận xét.
Do đó, một số công ty ô tô lớn nhất thế giới đã thành lập cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, trong đó có Tesla và BMW. Tuy nhiên, Moody’s lưu ý rằng các hãng ô tô nước ngoài không hề làm lu mờ các thương hiệu nội địa như Chery và SAIC.
Theo công ty nghiên cứu Canalys, xe điện của Trung Quốc là “sản phẩm đáng đồng tiền bát gạo và chất lượng cao, đồng thời chúng có thể đánh bại hầu hết các thương hiệu nước ngoài”.
Được biết, Trung Quốc là thị trường ô tô và xe điện lớn nhất thế giới, nơi có khoảng 200 nhà lắp ráp xe điện đang cạnh tranh với nhau để phát triển những chiếc xe thông minh và xanh, từ đó có thể định hình tương lai của loại phương tiện di chuyển này.
Theo dữ liệu từ Moody’s, khu vực châu Á-Thái Bình Dương - nơi có một số cường quốc xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, đã chứng kiến sự phục hồi trái chiều trong xuất khẩu ô tô. Tuy nhiên, xe điện chiếm gần 30% tổng số xe du lịch bán ra trên toàn thế giới vào năm ngoái, so với mức dưới 5% trước đại dịch.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi tháng 4, doanh số bán xe điện đã tăng lên hơn 10 triệu chiếc trong năm 2022, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 60% thị trường.
Moody's cho rằng sự gia tăng nhu cầu xe điện một phần là do “các đợt giảm giá lớn của các nhà sản xuất Trung Quốc và sự hỗ trợ hào phóng của chính phủ”, ví dụ thuế mua 10% đối với ô tô mới đã được miễn cho xe điện kể từ năm 2014.