Giáo viên và học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Belgrade, Serbia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong một thông điệp chung được ghi hình cùng với người đứng đầu tổ chức giáo viên quốc tế (EI) David Edwards, Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết: "Chúng tôi tin rằng giáo viên và các nhân viên hỗ trợ giáo dục phải được coi là nhóm ưu tiên (tiêm chủng)."
Theo hai quan chức này, khi trường học và các cơ sở giáo dục phải đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch lây lan, "giáo viên và nhân viên hỗ trợ giáo dục vẫn là những người ở tuyến đầu phòng dịch."
Khi lớp học được chuyển sang hình thức trực tuyến, họ "đã sáng tạo cách thức dạy học" và khi trường học mở cửa trở lại, giáo viên sẽ phải "dũng cảm" đứng lớp.
Nhấn mạnh rằng trường học là "nơi không thể thay thế," UNESCO và EI kêu gọi đưa giáo viên vào diện nhóm ưu tiên tiêm phòng.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ, nước bị ảnh hưởng nhất thế giới trong mùa dịch COVID-19, đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà quy mô lớn nhất trong lịch sử với việc một y sỹ ở New York đã trở thành người đầu tiên được tiêm phòng vaccine của Pfizer/BioNTech.
Hiện vắcxin này đã được vận chuyển tới 141 trong số 145 địa điểm được triển khai tiêm phòng trong ngày đầu tiên. Một số cơ sở y tế ở các vùng lãnh thổ hải đảo của nước này đang chờ vắcxin.
Chính phủ Mỹ dự định phân phối đợt đầu khoảng 1,9 triệu liều vắcxin tới 636 địa điểm trên cả nước vào cuối tuần này và lên kế hoạch tiêm phòng cho 20 triệu người vào cuối năm 2020.
Nhà chức trách đang làm việc với Pfizer để có thêm vắcxin ngoài 100 triệu liều đã mua. Trong khi đó, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) cũng đang xem xét phê chuẩn vắcxin của Moderna, dự kiến đưa vào tiêm sớm nhất từ đầu tuần sau.
Vắcxin của Pfizer/BioNTech cũng đã được đưa vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử Canada ngày 14/12, khi một cư dân sống tại cơ sở chăm sóc dài hạn ở Quebec và một nhân viên tại viện dưỡng lão ở Ontario nằm trong nhóm những người đầu tiên được tiêm.
Trước đó, Anh là nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn và tiêm phòng đại trà vắcxin này.
Tại Bắc Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Mexico Martha Delgado ngày 14/12 cho biết nước này sẽ đặt hàng các liều vắcxin của Pfizer/BioNTech và vắcxin có thể được chuyển đến Mexico trong khoảng một tuần.
Phát biểu với đài Televisa, Thứ trưởng Delgado cho biết: "Yêu cầu (đặt hàng) đã được gửi đi ngày hôm nay và theo hợp đồng của chúng tôi, chúng ta sẽ có được vắcxin trong thời gian khoảng từ 5-8 ngày."
Ngoài vắcxin của Pfizer/BioNTech, Mexico cũng đã ký hợp đồng với một số công ty khác, như AstraZeneca của Anh và CanSino Biologics của Trung Quốc.
Tổng thống Manuel Lopez Obrador kêu gọi các hãng dược phẩm thực hiện hợp đồng đúng hạn.
Trong khi đó, Chính phủ Argentina dự định tiêm phòng cho 30 triệu người, tức là hơn 2/3 dân số, vào năm 2021.
Phát biểu trên đài phát thanh địa phương ở Buenos Aires, Bộ trưởng Quốc phòng Agustin Rossi cho biết trong 3 tháng đầu năm 2021, việc tiêm phòng sẽ tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao nhất, như người cao tuổi, đặc biệt là trên 74, sau đó sẽ được mở rộng, hướng tới việc đạt 30 triệu người được tiêm trong năm 2021.
Theo TTXVN/Vietnam+