Thế giới

UNICEF: Hơn 13 triệu trẻ em bỏ học do xung đột ở Trung Đông, Bắc Phi

ClockThứ Năm, 03/09/2015 16:09
TTH.VN - Các cuộc xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi đang khiến hơn 13 triệu trẻ em phải bỏ học, làm tan vỡ những hy vọng và tương lai của thế hệ này, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF cho biết trong một báo cáo vừa được phát hành hôm nay (3/9).

Báo cáo "Giáo dục trong chiến tranh" của UNICEF ghi nhận những tác động của bạo lực lên các em học sinh ở 9 vùng lãnh thổ, trong đó có Syria, Iraq, Yemen và Libya, nơi một thế hệ đang lớn lên bên ngoài hệ thống giáo dục. Báo cáo này cho biết, 40% trẻ em từ 5 quốc gia Trung Đông đang có xung đột không được đến trường, đồng thời cảnh báo rằng thực trạng này sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ, trong đó có nạn di cư và một tương lai mịt mờ cho khu vực.

UNICEF ước tính có khoảng 13,7 triệu trẻ em trên tổng số 34 triệu trẻ trong tuổi đi học ở Syria, Iraq, Yemen, Libya và Sudan đang không được đến trường. Tỷ lệ học sinh bỏ học thậm chí có thể tăng lên 50% trong những tháng tới nếu xung đột tiếp tục gia tăng, Peter Salama - Giám đốc UNICEF tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi nói với hãng tin AP.

Hơn 13 triệu trẻ em không được đi học do xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi - Ảnh: AP.

"Chúng tôi đang bên bờ vực của việc mất đi một thế hệ trẻ em trong khu vực này," ông nói. "Chúng ta phải hành động ngay bây giờ hoặc chắc chắn, chúng ta sẽ phải hối tiếc về những hậu quả sau này."

Hãng tin Reuters cũng dẫn lời ông Salama nói rằng, "các tác động tiêu cực của cuộc xung đột đang được cảm nhận ngay trên chính con trẻ trong khu vực", "đó không chỉ là những thiệt hại vật chất gây ra cho các trường học, mà còn là sự tuyệt vọng được cảm nhận bởi một thế hệ học sinh khi thấy hy vọng và tương lai của mình tan vỡ."

Trường học không còn an toàn

Chỉ riêng năm ngoái, UNICEF đã ghi nhận 214 vụ tấn công vào các trường học ở Syria, Iraq, Libya, các vùng lãnh thổ Palestine, Sudan và Yemen.

Gần 9.000 trường học ở Syria, Iraq, Yemen và Libya hoặc đã bị phá hủy trong chiến tranh, biến thành nơi trú ẩn cho những người phải di tản hoặc bị trưng dụng bởi các lực lượng chiến đấu, UNICEF cho biết.

Theo báo cáo, ở Syria và Yemen, ¼ số trường học không còn có thể được sử dụng cho mục đích giáo dục. Riêng ở Syria, hơn 52.000 giáo viên không còn việc làm, trong khi hàng ngàn trẻ em phải băng qua trước làn đạn để tham dự các kỳ thi. Báo cáo cũng cho biết, "việc giết hại, bắt cóc và bắt giữ tùy tiện các học sinh, giáo viên và nhân viên giáo dục đã trở thành phổ biến" trong khu vực này.

Hàng trăm trường học và cao đẳng ở Yemen đã bị đóng cửa từ tháng 3 năm nay, khi một liên minh do Arab dẫn đầu phát động cuộc không kích vào phiến quân Huthi được Iran hậu thuẫn sau khi lực lượng này chiếm giữ thủ đô Sanaa và một số khu vực khác của đất nước. Theo người dân, ít nhất 7 trường học ở đây đã bị trưng dụng bởi các lực lượng tham chiến để sử dụng như các doanh trại tạm thời hoặc làm nơi trú ẩn cho các gia đình di tản.

Ở Dải Gaza, nơi cuộc chiến kéo dài 50 ngày xảy ra hồi năm ngoái giữa các tay súng Hamas và Israel đã giết chết khoảng 2.200 người Palestine và 73 người ở phía Israel, Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 281 trường học đã bị hư hỏng, và 8 ngôi trường bị "phá hủy hoàn toàn".

UNICEF nói rằng bạo lực ở Iraq, nơi các lực lượng ủng hộ chính phủ đang chiến đấu với các nhóm thánh chiến IS, đã tác động nghiêm trọng đến việc học của ít nhất 950.000 trẻ em, khi có khoảng 1.200 ngôi trường ở đây đã được biến thành nơi trú ẩn cho những người phải di dời do bạo lực.

Xung đột cũng đã ảnh hưởng đến những đứa trẻ ở Libya – đất nước vẫn đang phải quay cuồng từ sau vụ lật đổ nhà độc tài Moamer Kadhafi năm 2011 - với hơn một nửa số người dân ở khu vực hỗn loạn thông báo rằng con cái họ không thể tham dự các lớp học. Chỉ tính riêng ở thành phố Benghazi, LHQ cho biết chỉ 65 trong số 239 trường học vẫn còn hoạt động.

Giám đốc khu vực của UNICEF Peter Salama tin rằng, việc thiếu tiếp cận với giáo dục đã thúc đẩy những nỗ lực ngày càng tuyệt vọng của những người tị nạn Trung Đông chạy nạn đến châu Âu. Trẻ em không được đi học cũng có nguy cơ bị tổn thương nhiều hơn bởi sự tuyển dụng của các nhóm chiến binh. Ông cho rằng, UNICEF đã nhìn thấy một sự gia tăng trong nỗ lực tuyển dụng, song song với việc giảm tỷ lệ nhập học.  

Kêu gọi thêm nhiều nỗ lực cho giáo dục

Ông Salama cho biết, UNICEF cần thêm khoảng 300 triệu USD trong năm nay để giúp cho nhiều trẻ em hơn được tiếp cận với giáo dục. Cơ quan này cho đến nay đã nhận được 140 triệu USD, chỉ chưa tới 40% mức cần thiết cho năm 2015.

Báo cáo của UNICEF kêu gọi tăng cường đầu tư vào giáo dục trong trường hợp khẩn cấp nhân đạo. Nhiều tiền hơn nên được chi tiêu cho các hệ thống trường học ở các nước có người tị nạn, trong đó có hơn 4 triệu người Syria chạy trốn cuộc nội chiến. Hơn một nửa số trẻ em tị nạn Syria, khoảng 700.000 trẻ, đã không được đến trường, báo cáo cho biết.

Cơ quan này cũng kêu gọi cần nỗ lực nhiều hơn nữa để giáo dục cho trẻ em ở các vùng xung đột, kể cả thông qua bộ dụng cụ tự học và một chương trình học trực tuyến, được gọi là "Sahabati". Chương trình này sẽ dạy tiếng Ả Rập, tiếng Anh, toán và khoa học, với một hệ thống đánh giá trực tuyến và cấp giấy chứng nhận, theo tin từ AFP. Hiện vẫn chưa rõ khi nào chương trình này sẽ được tung ra.

Trong năm 2010, từ 7-8 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học ở Syria, Libya, Iraq, Yemen và Sudan không được đến trường, phát ngôn viên Juliette Touma của UNICEF cho biết. Lý do bao gồm các cuộc xung đột đang diễn ra, chẳng hạn như ở Sudan và Iraq, cũng như do sự nghèo.

Đến nay, lên đến 13,7 triệu trẻ em từ 5 quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột không được đi học. Con số này bao gồm 2,7 triệu trẻ em Syria, trong đó có 700.000 em ở nước sở tại; 3 triệu trẻ em ở Iraq; 2 triệu trẻ tại Libya; 3,1 triệu ở Sudan; và 2,9 triệu đứa trẻ ở Yemen.

Tố Quyên (lược dịch từ AP, Reuters & AFP)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn Độ là dòng khách tiềm năng cho nhiều quốc gia

Ghi nhận khảo sát trong thời gian gần đây cho thấy, du khách Ấn Độ đang có nhu cầu du lịch ngày càng cao. Điều này thể hiện rõ khi nhiều người rất háo hức trải nghiệm du thuyền Disney Adventure của Disney Cruise Line, lần đầu tiên có mặt tại châu Á tại Singapore và mong muốn tàu khởi hành sớm hơn so với dự kiến vào tháng 12/2025. Thậm chí, một số gia đình đã lên kế hoạch du lịch đến những nước châu Á khác như Nhật Bản trong thời gian chờ đợi tàu khởi hành.

Ấn Độ là dòng khách tiềm năng cho nhiều quốc gia
GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu

Hiện nay, tính cấp thiết của việc tìm ra giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan về biến đổi khí hậu chưa bao giờ rõ ràng hơn. Vào năm 2024, cuộc thảo luận toàn cầu về thích ứng với khí hậu đã trở nên sâu sắc. Nhiệt độ tăng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và hệ sinh thái thay đổi đặt ra những thách thức đáng kể cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu
Return to top