Vaccine COVID-19 dạng viên có thể khắc phục được nhiều hạn chế. Ảnh minh hoạ: Drugtargetreview
Đó là những thách thức nghiêm trọng trong việc bảo quản và phân phối vaccine mà hãng dược Vaxart (có trụ sở tại San Francisco) hy vọng sẽ giải quyết được bằng vaccine ngừa COVID-19 dạng viên, có thể được sử dụng trên toàn thế giới mà không phải đối mặt với những hạn chế như của vaccine dạng liều tiêm. Theo Tiến sĩ Sean Tucker, Giám đốc khoa học của Vaxar, lợi thế lớn của vaccine dạng viên là dễ vận chuyển và lưu giữ, cũng như không cần tốn nguồn nhân lực y tế để tiêm.
Được biết, các loại vaccine COVID-19 hiện đang được sử dụng đòi hỏi một số hình thức bảo quản lạnh để duy trì tính hiệu quả, chẳng hạn như loại của Oxford-AstraZeneca phải được bảo quản trong điều kiện từ 2-8 độ C và vaccine của Pfizer yêu cầu bảo quản lạnh ở -70 độ C. Điều này trở thành một thách thức ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi mà một nghiên cứu năm 2018 cho thấy 59% các cơ sở y tế thiếu nguồn điện ổn định để cung cấp năng lượng cho các thiết bị lưu trữ lạnh.
Không chỉ ở các vùng của châu Phi hay Ấn Độ, việc thiếu các phương tiện bảo quản lạnh như vậy cũng là một trở ngại cho các vùng nông thôn, hẻo lánh ở các nước giàu như Mỹ hay Australia. Do vậy, một số công ty hiện đang cố gắng nghiên cứu các loại vaccine có thể khắc phục những hạn chế trên.
Vaccine chịu nhiệt
“Vaccine ấm” (vaccine chịu nhiệt) hiện đang được phát triển sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc lưu giữ và phân phối ở những nơi này, tạo ra một “cuộc cách mạng” trong việc ứng phó với đại dịch ở những vùng ấm nóng hơn và nghèo tài nguyên hơn.
Vào tháng trước, Viện Khoa học Ấn Độ (IISc) và công ty công nghệ sinh học Mynvax đã có một bước tiến đáng khích lệ khi phát triển một loại vaccine chịu nhiệt, có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở chuột và bảo vệ chuột lang khỏi virus SARS-COV-2.
Vaccine này đã tạo ra các kháng thể có khả năng vô hiệu hóa 4 biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả biến thể Delta rất dễ lây lan. Nhiều nhà nghiên cứu cũng công nhận vaccine vẫn ổn định ở nhiệt độ 37 độ C trong vòng một tháng và ở 100 độ C trong tối đa 90 phút.
Tiến sĩ Raghavan Varadarajan của IISc cho biết loại vaccine này có thể sẽ được điều chế ở dạng bột đông khô cùng với chất bổ trợ lỏng trong một lọ riêng biệt. Cả hai thành phần có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng và vận chuyển dễ dàng. Chúng sẽ được trộn với nhau, tạo ra dung dịch vaccine để tiêm bắp. Các thử nghiệm lâm sàng đối với ứng cử viên vaccine này dự kiến bắt đầu sau 6 tháng nữa và sẽ được giới thiệu công khai trong vòng 16 tháng tới.
Cũng như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ cũng phải vật lộn để đẩy mạnh chương trình tiêm chủng. Hiện có chưa tới 10% dân số Ấn Độ đã được tiêm chủng đầy đủ và nhu cầu tiêm nhắc dự kiến để duy trì miễn dịch chống COVID-19 càng nhấn mạnh sự cấp thiết đối với các loại vaccine có thể được triển khai nhanh chóng.
Đây chính là lúc các loại vaccine ấm như của IISc-Mynvax's - dự kiến sẽ được bán với giá rẻ hơn các loại vaccine hiện đang được sử dụng ở Ấn Độ, có thể chứng tỏ vai trò đặc biệt hữu ích trong chiến dịch chống COVID-19. Tuy nhiên, trên thế giới chỉ có rất ít nghiên cứu đã được thực hiện để sản xuất vaccine ấm.
Vaccine đường uống cũng có thể giúp giảm sự chần chừ trong việc tiêm vaccine ở những người có tâm lý ngại tiêm. Ảnh: TBSNews
Vaccine dạng viên
Theo Tiến sĩ Tucker, đó là một mảng nhu cầu đang bị bỏ qua về các loại vaccine dễ sử dụng. Thấu hiểu nhu cầu đó, Vaxart ngày nay chuyên sản xuất vaccine dạng viên, bao gồm cả vaccine ngừa norovirus (gây tiêu chảy, nôn mữa, đau bụng) cũng như cúm mùa.
Hồi tháng 5, “ứng cử viên” vaccine COVID-19 này đã báo cáo kết quả giai đoạn I đáng khích lệ, cho thấy phản ứng của tế bào T CD8 + (loại tế bào chịu trách nhiệm tạo ra phản ứng miễn dịch) cao hơn so với vaccine của Pfizer và Moderna. Nếu mọi thứ suôn sẻ, Vaxart hy vọng sẽ nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp trong vòng 1 năm kể từ bây giờ.
Công ty này dự kiến sẽ sản xuất hàng triệu, thậm chí có thể là hàng tỷ liều vaccine mỗi năm với mức giá mà Tiến sĩ Tucker cho là rất “hiệu quả về chi phí”.
Vaccine đường uống cũng có thể giúp giảm sự chần chừ trong việc tiêm vaccine ở những người có tâm lý ngại tiêm. Kết quả của một cuộc thăm dò hồi đầu năm nay cho biết gần 19 triệu người Mỹ trưởng thành - khoảng 1/3 số người hiện từ chối tiêm chích - sẽ chủng ngừa nếu họ có thể uống 1 viên vaccine thay vì chích ngừa.
Thực tế, việc phát triển một công thức vaccine theo đường uống là một thách thức. Do đó, Vaxart tập trung vào việc đảm bảo kết quả tốt nhất ở người, thậm chí xác định các phần ruột lý tưởng để viên thuốc tan ra và tối đa hóa tác động.
Vaccine này triển khai cơ chế bảo vệ 2 bước, cơ chế đầu tiên là thúc đẩy phản ứng kháng thể từ các màng nhầy tạo thành lớp lót ẩm bên trong của một số cơ quan và ở mũi, miệng, phổi và dạ dày. Nếu hiệu quả, phương pháp này có thể tiêu diệt virus trong hệ thống hô hấp trên, làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm COVID-19.
Tuy nhiên, nếu không thành công và sự lây nhiễm vẫn diễn ra, phản ứng của tế bào T CD8 + sẽ hình thành kế hoạch bảo vệ dự phòng. Tiến sĩ Tucker cho rằng công nghệ này có khả năng làm sạch virus nhanh hơn rất nhiều, từ đó nâng cao hiệu quả trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Straitstimes)