Thế giới

Mỹ: Chương trình tiêm vaccine cho trẻ đã giúp cứu sống 1 triệu người trong 30 năm qua

ClockThứ Năm, 15/08/2024 17:37
TTH.VN - Trong những phát hiện đưa ra bằng chứng thuyết phục về sức mạnh của vaccine cho trẻ em, một báo cáo mới của Chính phủ Mỹ cho thấy các mũi tiêm thường quy đã giúp ngăn ngừa hàng trăm triệu ca bệnh, hàng chục triệu ca nhập viện và hơn 1 triệu ca tử vong ở Mỹ được sinh ra trong 30 năm qua.

Thiếu tiêm chủng, nhiều đợt dịch có thể khiến nhiều trẻ em trên thế giới tử vongFDA Mỹ cân nhắc vaccine COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổiCuba là quốc gia đầu tiên tiêm phòng COVID-19 đại trà cho trẻ em

Phân tích cho thấy việc tiêm vaccine thường quy cho trẻ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và tiết kiệm các chi phí trực tiếp. Ảnh minh họa: iStock. 

Dữ liệu mới, do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố, đã phân tích những lợi ích của “Chương trình Vaccine cho trẻ em” của CDC, được triển khai vào năm 1994 để giúp việc tiêm chủng cho trẻ em trở nên dễ tiếp cận và có giá phải chăng hơn.

Tiến sĩ Sara Siddiqui, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Hassenfeld ở New York, nói rằng kết quả của nghiên cứu là “bằng chứng cho thấy sự thành công” của việc tiêm vaccine để phòng ngừa bệnh tật.

“Đây là những loại vaccine hiện đang được khuyến nghị trong loạt vaccine cho trẻ em và cũng được cung cấp với chi phí thấp, như một phần của Chương trình Vaccine cho trẻ em. Nghiên cứu này đã cho thấy lợi ích sức khỏe của việc tiêm chủng như một cách phòng ngừa bệnh tật”, Tiến sĩ Siddiqui khẳng định.

Trong nghiên cứu mới của CDC, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm quốc gia về Miễn dịch và bệnh hô hấp của Mỹ đã định lượng các lợi ích sức khỏe và tác động kinh tế của việc tiêm chủng thường xuyên đối với trẻ em tại Mỹ được sinh từ năm 1994.

Có 9 loại vaccine được đưa vào phân tích, gồm vaccine bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTaP); Haemophilus influenzae týp b (Hib); vaccine bại liệt; sởi, quai bị và rubella; viêm gan B; thủy đậu; viêm gan A; phế cầu khuẩn và rotavirus. Phân tích không bao gồm một số loại vaccine phổ biến khác như vaccine cúm, COVID-19 và RSV.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng trong số khoảng 117 triệu trẻ em được sinh ra từ năm 1994 đến năm 2023, việc tiêm vaccine thường quy sẽ giúp ngăn ngừa được khoảng 508 triệu ca bệnh, 32 triệu ca nhập viện và hơn 1 triệu ca tử vong. Số ca bệnh được ngăn ngừa trong nghiên cứu dao động từ khoảng 5.000 ca uốn ván đến khoảng 100 triệu ca sởi và thủy đậu.

Các nhà nghiên cứu nói rằng số ca nhập viện và tử vong tích lũy ước tính lớn nhất được ngăn ngừa là khoảng 13,2 triệu ca nhập viện vì bệnh sởi và khoảng 752.800 ca tử vong vì bệnh bạch hầu.

Phân tích cũng cho thấy việc tiêm vaccine thường quy cho trẻ đã giúp tiết kiệm 540 tỷ USD chi phí trực tiếp, chẳng hạn như chi phí điều trị nhiễm bệnh và 2.700 tỷ USD chi phí xã hội, tổn thất do cha mẹ phải nghỉ làm để chăm sóc con ốm.

Chương trình Vaccine cho trẻ em (VFC) được thành lập nhằm cung cấp vaccine miễn phí cho những người đủ điều kiện từ 18 tuổi trở xuống. Theo báo cáo, năm ngoái, khoảng 54% trẻ em đủ điều kiện đã tiêm vaccine thông qua chương trình này.

“VFC đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao cho trẻ em bằng cách giảm rào cản tiếp cận, đặc biệt là ở các khu vực địa lý và trong số những nhóm dân số có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn trước đây, chẳng hạn như trẻ em sống ở vùng nông thôn”, các nhà nghiên cứu nêu rõ.

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em ở Mỹ đã giảm do khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu bị hạn chế và thông tin sai lệch lan truyền, khiến mọi người ngần ngại tiêm vaccine. Nhưng Mỹ không phải là quốc gia duy nhất trải qua tình trạng tụt hậu về tỷ lệ tiêm chủng trong đại dịch. Dữ liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố hồi tháng 7 cho thấy nhiều nước vẫn đang tiếp tục bỏ lỡ chương trình tiêm chủng cho rất nhiều trẻ em.

Theo WHO, số trẻ em được tiêm 3 liều vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) trên toàn thế giới trong năm 2023 - một dấu hiệu quan trọng về độ bao phủ tiêm chủng toàn cầu, đã dừng lại ở mức 84% (trương đương 108 triệu trẻ em), thấp hơn mức 86% được ghi nhận vào năm 2019. Trong khi đó, số trẻ em không được tiêm một liều vaccine nào đã tăng từ 13,9 triệu vào năm 2022 lên 14,5 triệu vào năm 2023.

BẢO NGHI (Lược dịch từ USNews)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày Trẻ em thế giới (20/11):
UNICEF chỉ ra những xu hướng lớn sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em

Sự thay đổi nhân khẩu học, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, và quá trình chuyển đổi công nghệ nhanh chóng có nguy cơ tạo ra một tương lai ảm đạm cho trẻ em vào giữa thế kỷ 21, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo trong một báo cáo thường niên, được công bố vào Ngày Trẻ em thế giới (20/11).

UNICEF chỉ ra những xu hướng lớn sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em
Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Ngày 13/11, tại Nhà thi đấu huyện Phong Điền, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với UBND huyện Phong Điền tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 trên toàn tỉnh với chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới".

Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Return to top