Người dân ở Bamako, Mali. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tại đây, Việt Nam đã kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng nỗ lực đoàn kết chống khủng bố.
Tại cuộc họp, ông Jean-Pierre Lacroix, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, và ông Ismail Ould Cheikh Ahmed, Bộ trưởng Ngoại giao Mauritania - Đại diện Nhóm G5 Sahel, đã cập nhật thông tin về tình hình khu vực Sahel.
Liên hợp quốc bày tỏ đặc biệt quan ngại về tình trạng gia tăng các vụ tấn công khủng bố nhằm vào dân thường, lực lượng gìn giữ hòa bình và an ninh tại đây. Có một thực tế, lực lượng khủng bố đang lợi dụng dịch COVID-19 và sự yếu kém trong quản lý của các nước khu vực Sahelđể mở rộng phạm vi hoạt động đe dọa đến an ninh và ổn định khu vực.
Tại Burkina Faso, Mali và Niger, số người thiệt mạng do khủng bố trong năm 2019 là 4.000, tăng gấp 5 lần so với con số 700 người hồi năm 2016. Tình trạng đói nghèo, kinh tế tăng trưởng thấp, xung đột giữa các cộng đồng về tài nguyên phục vụ sinh kế, biến đổi khí hậu và các vấn đề nhân đạo cũng là những thách thức mà khu vực Sahel đang phải đối diện.
Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế, các chính phủ, các tổ chức khu vực ở Tây Phi và Sahel tăng cường đoàn kết chống khủng bố và bạo lực cực đoan; nhấn mạnh cần có cách tiếp cận thống nhất, toàn diện trong giải quyết những thách thức về an ninh, nhân đạo và phát triển tại Sahel, đặc biệt là tại Mali.
Liên hợp quốc hoan nghênh sự cam kết đóng góp, hỗ trợ của các nước cho Sahel nhằm chống khủng bố, tội phạm có tổ chức và xử lý nguyên nhân gốc rễ của bất ổn; kêu gọi bảo đảm tài chính cho hoạt động của lực lượng G5-Sahel; kêu gọi các nước ủng hộ cách tiếp cận cả gói về ủng hộ toàn diện trong hỗ trợ và giải quyết các vấn đề ở Sahel.
Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chia sẻ với những đánh giá của báo cáo viên; nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp giữa các lực lượng nhằm đầy lùi sự gia tăng và bành trướng của khủng bố tại khu vực; đồng thời triển khai nhiều biện pháp bảo vệ dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, các nước thành viên cũng bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo và nhấn mạnh cần chung tay hỗ trợ các quốc gia Sahel chống dịch COVID-19; đề nghị điều tra và xét xử các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với Lực lượng G5-Sahel và Phái bộ MINUSMA tại Mali; đồng thời kêu gọi bảo đảm đủ tài chính cho các hoạt động của lực lượng G5-Sahel.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý bày tỏ quan ngại trước những các cuộc tấn công khủng bố làm nhiều người thiệt mạng tại Sahel vừa qua; ủng hộ triển khai cách tiếp cận toàn diện về an ninh, nhân đạo và phát triển bền vững cho các quốc gia trong khu vực; nhấn mạnh sự cấp thiết và nghĩa vụ bảo vệ thường dân, nhất là phụ nữ và trẻ em và kêu gọi kế hoạch, phối hợp toàn diện trong giải quyết các thách thức về an ninh, biến đổi khí hậu, nhân đạo và chống dịch COVID-19.
Theo TTXVN/Vietnam+