Thế giới

Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc

ClockThứ Sáu, 23/12/2022 19:19
TTH.VN - Việt Nam dự kiến sẽ trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc trong năm nay, Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) mới đây cho biết trong một báo cáo.

Quy mô thương mại Việt Nam-Hàn Quốc tăng mạnh kể từ năm 1992Du khách Hàn Quốc được kỳ vọng đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực phục hồi du lịch Việt NamViệt Nam là tâm điểm trong nỗ lực đổi mới R&D của SamsungNâng cấp độ cao nhất mối quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam

Việt Nam - Hàn Quốc đặt mục tiêu nâng giá trị thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023. Ảnh minh hoạ: Tapchitaichinh

Năm 1992, khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quy mô thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam là 500 triệu USD. Đến năm 2021, quy mô thương mại giữa 2 nước đã tăng gấp 161 lần lên đến 80,7 tỷ USD. Tính đến tháng 11 năm nay, với 81,1 tỷ USD, Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản (78,4 tỷ USD) để trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.

Tháng 7 vừa qua, hai nước đã nhất trí đặt mục tiêu nâng giá trị thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và lên 150 tỷ USD vào năm 2030 – gần gấp đôi so với hiện nay.

Trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến năm 2021, xuất khẩu và nhập khẩu của Hàn Quốc tăng gấp 8,4 lần và 7,5 lần, nhưng xuất - nhập khẩu chỉ riêng với Việt Nam đã tăng lần lượt 142 lần và 240 lần.

Thống kê cho thấy Hàn Quốc đã duy trì thặng dư thương mại với Việt Nam kể từ năm 1992. Năm ngoái, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Hàn Quốc ghi nhận mức thặng dư thương mại 32,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành đối tác thặng dư thương mại cao thứ hai của Hàn Quốc, chỉ sau với HongKong (Trung Quốc).

Đáng chú ý, FKI dự báo năm nay, Hàn Quốc sẽ đạt mức xuất siêu lớn nhất trong thương mại với Việt Nam.

Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn Quốc - Việt Nam, mặt hàng thương mại số 1 là chất bán dẫn. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Hàn Quốc trong năm đầu tiên có thương mại song phương là vải sợi nhân tạo, sản phẩm dầu mỏ, phân bón phức hợp, dệt may và hóa chất. Các mặt hàng này dần được thay thế bằng chất bán dẫn, màn hình phẳng và cảm biến, thiết bị liên lạc không dây vào năm 2021. Theo đà tăng trưởng kinh tế, các sản phẩm xuất khẩu của Hàn Quốc đã chuyển từ sản phẩm cơ bản sang sản phẩm công nghệ cao.

Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Hàn Quốc là thiết bị liên lạc không dây, tiếp đến là quần áo, hàng tạp hóa cá nhân, máy tính, màn hình phẳng và cảm biến.

Quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cũng tăng đột biến. Theo Cục Thống kê Việt Nam, tính đến năm 2021, Hàn Quốc đã đầu tư vào 9.203 dự án ở Việt Nam, với tổng giá trị đầu tư là 78,5 tỷ USD, đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia đứng đầu cả về số lượng và quy mô đầu tư tại Việt Nam. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam cũng tăng vọt từ 17 triệu USD năm 1992 lên 2,4 tỷ USD vào năm 2021.

Được biết, công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Việt Nam là Samsung Electronics của Hàn Quốc. Công ty này dự kiến sẽ đầu tư thêm 2 tỷ USD trong năm nay, nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD. Hôm nay (23/12), Samsung Electronics vừa khánh thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trị giá 220 triệu USD tại Việt Nam, là cơ sở lớn nhất ở Việt Nam do một công ty nước ngoài thành lập.

Samsung Electronics cho biết 2.200 nhân viên sẽ làm việc tại trung tâm R&D này để nghiên cứu và phát triển phần mềm và công nghệ cho điện thoại di động, cũng như các thiết bị mạng và thiết bị thông minh khác, đồng thời tiết lộ thêm rằng trung tâm này sẽ trở thành trụ sở công nghệ toàn cầu của Samsung cho các thiết bị không dây.

Bên cạnh Samsung Electronics, LG Electronics cũng đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất linh kiện điện thoại thông minh bằng cách đầu tư thêm 4 tỷ USD vào Việt Nam.

Năm nay, sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam đã được nâng cấp từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Korea Herald)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024

Ngày 18/11, huấn luyện viên trưởng Kim Sang Sik đã công bố danh sách 30 cầu thủ được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam, chuẩn bị cho giải vô địch Đông Nam Á – ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024. Danh sách sẽ tiếp tục có sự bổ sung sau khi câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định hoàn thành thi đấu tại vòng bảng AFC Champions League Two 2024/25.

Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024
Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu AFF Cup 2024 trên sân vận động Việt Trì

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, ngày 13/11, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức có công văn đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ xem xét và chấp thuận giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Liên đoàn tổ chức các trận thi đấu của Đội tuyển Việt Nam trong khuôn khổ vòng loại Giải Bóng đá vô địch Đông Nam Á Mitsubishi Electric Cup 2024 (AFF Cup 2024).

Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu AFF Cup 2024 trên sân vận động Việt Trì
Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam

Hãng tin Reuters hôm qua (12/11) dẫn lời các giám đốc điều hành cho biết, nhiều công ty nước ngoài đang mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam, trong khi các công ty trong nước đang “để mắt” đến việc hợp tác đầu tư, giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang nhanh chóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động từ căng thẳng thương mại.

Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam
Return to top