Đồ nội thất gỗ cho phòng ngủ là thế mạnh của Việt Nam. Ảnh minh hoạ: Tuoitre
Theo nghiên cứu của Furniture Today, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,4 tỷ USD đồ nội thất sang Mỹ trong năm 2020, tăng 31% so với con số 5,7 tỷ USD của năm 2019. Trong khi đó, Trung Quốc đã chuyển 7,33 tỷ USD hàng nội thất đến Mỹ trong cùng gian đoạn năm 2020, giảm 25% so với con số 9,7 tỷ USD mà Trung Quốc xuất sang Mỹ một năm trước đó.
Mặc dù mức chênh lệch này tương đối nhỏ, nhưng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cho thấy nước này đã trở nên quan trọng hơn trong những năm qua, Furniture Today nhấn mạnh. Tất nhiên, điều này dần bắt đầu khi Việt Nam nổi lên như một quốc gia sản xuất đồ gỗ nội thất đầy tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực phòng ngủ, sau khi các nhà sản xuất đồ nội thất phòng ngủ của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá bắt đầu từ tháng 6/2004.
Cũng theo Furniture Today, sự thay đổi thậm chí còn diễn ra mạnh mẽ hơn trong 2,5 năm qua khi chính phủ Mỹ áp đặt mức thuế bổ sung tới 25% đối với hầu hết các loại đồ nội thất từ Trung Quốc. Theo đó, ngay cả nệm cũng chủ yếu được nhập từ các nước khác bên ngoài Trung Quốc.
Theo ghi nhận, trong nửa cuối năm 2018, khi thuế quan áp lên hàng nội thất Trung Quốc bắt đầu ở mức 10%, ngành công nghiệp này đã bắt đầu chuyển ra khỏi Trung Quốc, mặc dù lúc đầu còn chậm. Khi đó, các lô hàng đồ nội thất của Trung Quốc xuất đi Mỹ giảm 1% xuống còn 13,6 tỷ USD. Ngược lại, các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 9% lên 4,2 tỷ USD từ mức 3,9 tỷ USD của năm 2017.
Sự thay đổi mạnh mẽ đã xảy ra vào năm 2019, khi các lô hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 28% xuống còn 9,7 tỷ USD. Trong khi đó, các lô hàng từ Việt Nam xuất đi Mỹ đã tăng 35% lên khoảng 5,7 tỷ USD.
Cứ như vậy, sự đảo chiều trong 2 năm tăng giảm liên tiếp ở mỗi nước cuối cùng đã đẩy Việt Nam vượt qua Trung Quốc trong việc xuất khẩu đồ nội thất gỗ sang thị trường Mỹ.
Ông Fred Henjes, Giám đốc điều hành hãng nội thất Riverside Furniture Corp nói rằng điều này không có gì phải ngạc nhiên, khi công ty của ông không còn mua hàng từ Trung Quốc, và nhiều công ty khác cũng vậy. Ông cho biết đồ nội thất phòng ngủ, phòng ăn, nội thất văn phòng làm việc và văn phòng tại nhà đều là những hạng mục mà Riverside nhập phần lớn từ Việt Nam. Mặc dù lượng đơn hàng tồn đọng vẫn ở mức cao, đặc biệt là do những thách thức về hậu cần, nhưng việc vận chuyển các lô hàng đã dần được cải thiện.
Cũng như nhiều người khác, ông Henjes nhận định rằng Việt Nam rất phù hợp với lĩnh vực sản xuất đồ nội thất và nước này ngày càng trở nên quan trọng hơn với tư cách một nhà sản xuất nhiều tiềm năng.
Công ty nội thất Klaussner Home Furnishings, cùng với nhiều công ty khác trong phân khúc gỗ, đã nhập khẩu tất cả đồ nội thất gỗ của mình từ Việt Nam. Giám đốc McNew cho biết doanh số bán đồ nội thất gỗ từ Việt Nam đã tăng 10% trong năm ngoái.
Được biết, ghế ngồi bọc khung gỗ là sản phẩm chứng kiến sự tăng trưởng lớn nhất, với mức tăng 83% so với năm trước, đạt 1,25 tỷ USD. Các mặt hàng chủ lực tiếp theo được đặt từ Việt Nam là đồ nội thất gỗ trong phòng ngủ bằng gỗ, chẳng hạn như giường gỗ, tăng 11% lên 778,9 triệu USD.
Giám đốc sáng tạo của DesignWorks Furniture cho rằng với sự gia tăng nhu cầu mua đồ nội thất mới của người tiêu dùng vốn phải ở nhà nhiều hơn vì đại dịch, nếu không vì những hạn chế về vận chuyển, doanh số của hàng nội thất gỗ từ Việt Nam thậm chí có thể còn cao hơn nữa.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Furniture Today)