Hàng hoá tập trung tại cảng ở thành phố Busan, Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN
Theo báo cáo “Triển vọng Kinh tế Toàn cầu” của tháng 1, các nhà hoạch định chính sách cần hành động một cách dứt khoát. Mặc dù nền kinh tế tăng trưởng trở lại sau khi thu hẹp 4,3% vào năm 2020, đại dịch COVID-19 đã dẫn đến một số lượng lớn người tử vong và nhiễm bệnh, khiến hàng triệu người phải rơi vào cảnh nghèo đói, và có thể làm suy giảm hoạt động kinh tế, cũng như thu nhập trong một thời gian kéo dài.
Các ưu tiên chính sách trước mắt cần tập trung vào việc kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19 và đảm bảo việc triển khai vắc-xin ngừa COVID-19 nhanh chóng và rộng rãi. “Nhằm hỗ trợ sự phục hồi kinh tế, các cơ quan chức năng cũng cần tạo điều kiện cho chu kỳ tái đầu tư nhắm tới tăng trưởng bền vững, mà ít phụ thuộc vào nợ Chính phủ hơn”, WB khuyến cáo trong một thông cáo báo chí.
Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, ông David Malpass cho biết: “Để vượt qua những tác động của đại dịch và chống lại cơn gió ngược đầu tư, cần có một động lực lớn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tăng tính linh hoạt của thị trường lao động và sản phẩm, cũng như tăng cường tính minh bạch và quản trị”.
Biến số
Bên cạnh đó, WB cũng cảnh báo, các biến số trong ngắn hạn vẫn ở mức “không chắc chắn cao” và sự gia tăng liên tục của các ca nhiễm COVID-19, cùng với việc triển khai vắc-xin bị trì hoãn, có thể hạn chế tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống chỉ còn 1,6%.
Trong khi đó, với một kịch bản lạc quan cùng việc kiểm soát đại dịch thành công và tiến hành tiêm chủng nhanh hơn, tăng trưởng toàn cầu có thể tăng tốc lên gần 5%, theo thông cáo báo chí nói trên.
Tại Hoa Kỳ, GDP, hay tổng sản phẩm quốc nội, được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 3,5% trong năm nay, sau mức giảm ước tính 3,6% vào năm 2020. Trong Khu vực đồng euro (Eurozone), sản lượng được dự báo sẽ tăng 3,6%, sau khi giảm 7,4% vào năm 2020. Hoạt động kinh tế ở Nhật Bản, trước đó đã ghi nhận mức giảm 5,3% hồi năm ngoái, được dự báo sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm 2021.
Cũng theo triển vọng của WB, tổng GDP ở các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, được dự báo sẽ tăng trưởng 5% vào năm 2021, sau khi giảm 2,6% trong một năm trước đó.
Hậu quả kéo dài
WB lưu ý, đại dịch dự kiến sẽ để lại những tác động tiêu cực kéo dài lên hoạt động toàn cầu, với khả năng tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại kéo dài sang thập kỷ tới, do tình trạng thiếu đầu tư, thiếu việc làm và lực lượng lao động giảm ở nhiều nền kinh tế tiên tiến.
Theo đó, các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục duy trì sự phục hồi, chuyển dần từ hỗ trợ thu nhập sang các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Về lâu dài, ở các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển, những chính sách cải thiện dịch vụ y tế và giáo dục, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, khả năng chống chịu với khí hậu, cũng như các hoạt động kinh doanh và quản trị sẽ hỗ trợ việc giảm thiểu thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra, giảm nghèo và thúc đẩy thịnh vượng chung; trong khi trong bối cảnh chi tiêu công giảm và nợ tăng cao, các cải cách thể chế để thúc đẩy tăng trưởng tự thân, hay tăng trưởng từ bên trong đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Lê Thảo (Lược dịch từ UN News)