Một người đàn ông đeo khẩu trang phòng COVID-19 trên xe buýt tại New Delhi, Ấn Độ ngày 31-3 - Ảnh: REUTERS
Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, ông Takeshi Kasai, cho biết dù với tất cả các biện pháp chống dịch hiện nay, nguy cơ lây nhiễm tại khu vực vẫn tồn tại khi đại dịch tiếp diễn.
Số ca COVID-19 trên toàn cầu hiện đã vượt quá con số 770.000. Mỹ, Ý và Tây Ban Nha đã vượt qua Trung Quốc đại lục, trở thành các quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất thế giới.
"Để tôi làm rõ. Dịch bệnh còn lâu mới chấm dứt tại châu Á và khu vực Thái Bình Dương. Đây sẽ là một cuộc chiến dài hạn và chúng ta không thể lơ là. Chúng ta cần mọi quốc gia sẵn sàng cho trường hợp lây nhiễm cộng đồng quy mô lớn", ông Kasai nhấn mạnh.
Cũng theo ông Kasai, các quốc gia có nguồn lực giới hạn là một trong những mối lo chính, ví dụ các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Những nước này phải chuyển mẫu xét nghiệm tới các quốc gia khác để chuẩn đoán, và hàng loạt lệnh cấm đi lại xuyên biên giới khiến điều đó trở nên khó khăn.
Ông Kasai cảnh báo các quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới giảm dần không nên chủ quan vì virus có thể quay lại bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, cố vấn kỹ thuật của WHO Matthew Griffith dự đoán không quốc gia nào có thể an toàn và virus corona chủng mới cuối cùng sẽ lan tới mọi ngóc ngách.
"Trong khi dữ liệu của các quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực này vẫn ổn định, dịch bệnh tiếp tục xuất hiện tại những nơi mới và các ca nhập từ nước ngoài vẫn là điều đáng lo ngại", ông Griffith cảnh báo, dẫn chứng các ca nhiễm mới của Singapore hay Hàn Quốc là du khách đến từ nước ngoài.
Ông Griffith khẳng định trung tâm của dịch bệnh hiện nay đang là châu Âu, nhưng có thể sẽ dịch chuyển sang các khu vực khác.
Theo VOV