|
|
Đại dịch COVID-19 đang phức tạp trở lại, ưu tiên tiêm chủng cho những ai cần được bảo vệ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+ |
Đại dịch còn biến động
Được biết, trong 28 ngày qua, 3 triệu ca nhiễm mới và hơn 23.000 ca tử vong đã được WHO ghi nhận, trong bối cảnh số lượng xét nghiệm giảm đi đáng kể.
Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO Michael Ryan phát biểu trong một cuộc họp báo rằng trong khi số lượng đang giảm đi, vẫn có rất nhiều người tử vong và nhiễm bệnh.
Theo ông Michael Ryan, các loại virus đường hô hấp không chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh lưu hành, mà thay vào đó là chuyển sang giai đoạn hoạt động ở mức độ thấp với các đỉnh dịch có khả năng xảy ra theo mùa.
Giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO Michael Ryan nhận xét: “Chúng ta không có công tắc đại dịch. Có nhiều khả năng là chúng ta sẽ phải nhìn thấy một con đường gập ghềnh và vượt qua nó trước khi đến với một mô hình dễ đoán hơn”.
Ủy ban khẩn cấp về COVID-19 của WHO họp 3 tháng/lần và dự kiến sẽ có cuộc họp tiếp theo vào đầu tháng 5 tới để bàn về tình hình đại dịch. Như tại các cuộc họp trước đó, ủy ban sẽ quyết định liệu virus có còn tạo nên Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) hay không.
Được biết, PHEIC là mức cảnh báo cao nhất mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thể đưa ra.
Trước đó, vào ngày 30/1/2020, WHO đã tuyên bố COVID-19 là PHEIC, khi có ít hơn 100 trường hợp mắc bệnh và không ghi nhận ca tử vong vào bên ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, phải đến khi người đứng đầu WHO là Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus mô tả tình hình là đại dịch vào tháng 3/2020, thế giới mới bắt đầu hành động.
Theo ông Michael Ryan, virus sẽ không bị loại bỏ và như bệnh cúm, COVID-19 vẫn sẽ gây ra bệnh hô hấp nghiêm trọng ở những người dễ bị tổn thương.
Ông cho hay, một số quốc gia trên thế giới vẫn còn rất nhiều người dễ bị tổn thương chưa được tiêm phòng. Cùng lúc, ở nhiều nước khác, COVID-19 đã không còn là một sự kiện khẩn cấp.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kỳ vọng, khi ủy ban khẩn cấp tổ chức cuộc họp vào tháng 5, họ sẽ có thêm lời khuyên tích cực xung quanh đánh giá về quỹ đạo của đại dịch và việc có hay không sự tồn tại tiếp tục của PHEIC.
Tăng cường tiêm chủng cho những ai cần bảo vệ
Trong một diễn biến có liên quan, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vừa cho phép tiêm thêm một liều vaccine Pfizer và Moderna chống biến thể Omicron cho người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu.
Theo FDA, sau ít nhất 4 tháng kể từ lần tiêm vaccine cuối cùng, những người từ 65 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine chống biến thể phụ BA.5 của Omicron hiện đủ điều kiện để tiếp tục tiêm một mũi vaccine tăng cường khác. Ngoài ra, những người có hệ thống miễn dịch yếu cũng có thể tiêm thêm một mũi vaccine khác sau ít nhất 2 tháng kể từ lần tiêm chủng cuối cùng và các mũi tiêm này cần tuân theo quy định của bác sĩ.
Trẻ em từ 6 tháng – 5 tuổi chưa được tiêm phòng giờ đây có thể tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine của Moderna. Trẻ em từ 6 tháng – 4 tuổi có thể tiêm 3 mũi vaccine của Pfizer để chống sự xâm nhập của biến thể Omicron.
Trẻ em 5 tuổi có thể tiêm 2 liều của Moderna hoặc 1 liều vaccine Pfizer.
Thêm vào đó, trẻ em dưới 5 tuổi đã tiêm chủng bằng vaccine COVID-19 cũ để chống lại chủng virus ban đầu hiện nay có thể tiêm vaccine chống biến thể Omicron để kết thúc liệu trình tiêm chủng, số lượng liều vaccine mà trẻ nhận được sẽ tùy thuộc vào việc trẻ đã tiêm vaccine Pfizer hay Moderna.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ghi nhận, mặc dù gánh nặng của đại dịch đã giảm đáng kể, nhưng đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục cướp đi sinh mạng của hơn 1.300 người/tuần. Trung bình mỗi ngày vẫn có khoảng 1.600 người nhập viện vì COVID-19.
Tiến sĩ Peter Marks, người đứng đầu bộ phận chịu trách nhiệm về vaccine của FDA cho biết: “COVID-19 tiếp tục là một rủi ro rất thực tế đối với nhiều người và chúng tôi khuyến khích các cá nhân cân nhắc việc duy trì tiêm chủng”.