Trẻ nhỏ có thể nhiễm độc khi do sơn có chì trên các đồ chơi. Ảnh minh hoạ: bebe123/Tuoitre
Nhiễm độc chì có thể phòng ngừa được, tuy nhiên, Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe ước tính rằng trong năm 2017, phơi nhiễm chì đã giết chết hơn 1 triệu người và gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, với gánh nặng cao nhất ở các khu vực đang phát triển.
Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Sở Y tế Công cộng liên quan đến các yếu tố môi trường và xã hội của WHO cảnh báo rằng, chì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của con người và đặc biệt là sức khỏe của trẻ em.
Đáng chú ý, sơn có chì được cho một trong những nguồn gây phơi nhiễm chì phổ biến nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, sơn chì vẫn ẩn nấp đâu đó trong nhà, trong trường học và trên đồ chơi.
Sơn chì bị phân hủy có thể làm ô nhiễm đất hoặc bụi, có nghĩa là trẻ nhỏ có thể ăn phải các bụi mịn nhiễm chì trong khi chơi trên mặt đất. Chì được lưu trữ trong răng và xương và tích lũy theo thời gian, sau đó còn có thể di chuyển đến não, gan, thận và xương, gây ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ thể.
Đối với trẻ nhỏ, hệ thống thần kinh vẫn đang phát triển, chúng có thể hấp thụ lượng chì cao gấp 5 lần so với người lớn.
Tiến sĩ Neira giải thích rằng chì làm suy yếu sự phát triển não bộ ở trẻ nhỏ, có thể dẫn đến giảm IQ. Bà cũng nói thêm về những thay đổi hành vi như rút ngắn thời gian tập trung, tăng hành vi chống đối xã hội và đôi khi làm giảm trình độ học vấn, đồng thời cảnh báo rằng các tác động này có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Trước mối nguy hại đó, WHO đang phát độngTuần lễ hành động phòng chống ngộ độc chì quốc tế từ ngày 20/10 - 26/10, để huy động các điều luật, quy định hoặc tiêu chuẩn có thể được thi hành nhằm ngăn chặn việc sản xuất, nhập khẩu và bán sơn có chứa chì.
Nhiều quốc gia hiện đang thiết lập luật để giảm mức độ chì trong sơn xuống dưới 90 phần triệu (ppm) - giới hạn quy định thấp nhất và an toàn nhất được đặt ra.
BẢO NGHI (Lược dịch từ UN)