Thế giới

WHO: Còn quá sớm để xem COVID-19 giống như bệnh cúm

ClockThứ Tư, 12/01/2022 15:18
TTH.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua (12/1) cho biết, biến thể Omicron của COVID-19 đang trên đà lây nhiễm cho hơn một nửa dân số châu Âu, nhưng hiện vẫn chưa nên coi đây là một căn bệnh đặc hữu giống như bệnh cúm.

Indonesia xây dựng lộ trình chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh đặc hữuSingapore chuẩn bị lộ trình “sống chung với COVID-19”

Trong thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể xem COVID-19 như một bệnh đặc hữu. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Âu đã chứng kiến ​​hơn 7 triệu ca nhiễm mới được báo cáo trong tuần đầu tiên của năm 2022, tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian 2 tuần, Giám đốc WHO khu vực Châu Âu Hans Kluge tiết lộ trong một cuộc họp báo. Theo ông Kluge, một “làn sóng thủy triều từ Tây sang Đông” mới từ biến thể Omicron đang quét khắp khu vực, trong khi biến thể Delta vẫn còn phổ biến.

“Với tốc độ này, Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe dự báo rằng hơn 50% dân số trong khu vực sẽ bị nhiễm Omicron trong vòng 6-8 tuần tới”, ông Kluge trích dẫn thông tin từ một trung tâm nghiên cứu tại Đại học Washington. Ông cũng cho biết 50 trong số 53 quốc gia ở châu Âu và Trung Á đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron rất dễ lây lan.

Mặc dù có những lo ngại rằng sự gia tăng mạnh số ca nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron vẫn có thể áp đảo hệ thống y tế các nước, nhiều bằng chứng đến nay cho thấy Omicron đang ảnh hưởng đến đường hô hấp trên nhiều hơn là phổi, gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước đó. Dù vậy, WHO cảnh báo vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh điều này. 

Hôm 9/1, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói rằng có thể đã đến lúc thay đổi cách thức theo dõi sự tiến hóa của COVID-19; thay vào đó sẽ sử dụng phương pháp tương tự như đối với bệnh cúm, vì khả năng gây tử vong của biến thể này đã suy giảm. Điều đó có nghĩa là coi COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu, thay vì một đại dịch, theo đó sẽ không cần ghi nhận mọi ca nhiễm và không xét nghiệm tất cả những người có triệu chứng.

Nhưng đó là “một con đường tắt”, quan chức cấp cứu cấp cao của WHO khu vực châu Âu Catherine Smallwood nhận xét, đồng thời cho biết thêm rằng bệnh đặc hữu cần có một đường lây nhiễm ổn định và có thể dự đoán được.

“Chúng ta vẫn còn một lượng lớn những điều không chắc chắn và một loại virus đang phát triển khá nhanh, đặt ra những thách thức mới. Chắc chắn, chúng ta chưa đến mức có thể gọi virus này là loài đặc hữu”, bà Smallwood nhấn mạnh. Theo bà, COVID-19 có thể trở thành loài đặc hữu trong thời gian tới, nhưng việc xác định điều này ngay trong giai đoạn hiện nay sẽ khó khăn.

Cũng theo các chuyên gia của WHO, các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện tại có thể cần phải được cập nhật để đảm bảo chúng tiếp tục có hiệu quả chống lại Omicron và các biến thể khác trong tương lai.

Nhóm Cố vấn Kỹ thuật của WHO về Chế phẩm vaccine COVID-19 cho rằng, trong bối cảnh Omicron ngày càng lan rộng, các loại vaccine hiện tại trên toàn cầu cần được “tiếp cận rộng rãi và khẩn cấp”, nhằm bảo vệ và giảm thiểu sự xuất hiện của các biến thể mới cần quan tâm (VOC).

Theo các chuyên gia, ngoài việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong, các loại vaccine có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh và lây truyền COVID-19 là rất cần thiết và nên được phát triển.

Nhóm chuyên gia cho rằng “trong khi biến thể Omicron đang lan truyền nhanh chóng trên toàn thế giới, sự phát triển của SARS-CoV-2 dự kiến ​​sẽ tiếp tục và Omicron khó có thể là VOC cuối cùng”. Do vậy, nhóm sẽ xem xét thay đổi thành phần vaccine để đảm bảo liều lượng tiếp tục đáp ứng các tiêu chí của WHO, bao gồm khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng và nâng cao khả năng bảo vệ do vaccine tạo ra.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Bloomberg & UN)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01%

Đây là mục tiêu được nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025 do Sở Y tế tổ chức chiều 17/12. Tham dự có đại diện các đơn vị y tế, các cơ quan ban ngành.

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01
Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

Kết quả của báo cáo mới được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những thách thức cấp bách nhất thế giới trong việc giải quyết các bệnh do virus lây truyền qua đường thực phẩm.

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm
Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
Return to top