Thế giới

WHO: Cứ 100 người chết trên toàn cầu có 1 người chết vì tự tử

ClockThứ Bảy, 19/06/2021 16:27
TTH.VN - Nghiên cứu mới được cơ quan y tế Liên Hiệp quốc công bố hôm qua (18/6) cho thấy tự tử vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới khi cướp đi nhiều mạng sống mỗi năm hơn cả HIV, sốt rét, ung thư vú, chiến tranh và giết người.

WHO cho biết cứ 100 ca tử vong toàn cầu thì có 1 ca là do tự tử. Ảnh minh hoạ: Getty Image

Dựa trên ước tính có hơn 700.000 người chết vì tự tử trong năm 2019, tương đương với 1/100 tổng số người chết trên toàn cầu trong năm đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra hướng dẫn mới có tên “LIVE LIFE” để giúp các quốc gia giảm tỷ lệ tự tử xuống 1/3, chậm nhất vào năm 2030.

Áp lực từ đại dịch COVID-19

Từ mất việc làm, căng thẳng tài chính cho đến cách ly xã hội, nhiều yếu tố rủi ro gây ra bởi đại dịch COVID-19 khiến việc ngăn ngừa tự tử hiện nay thậm chí còn quan trọng hơn bao giờ hết, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Theo nghiên cứu về tình trạng tự tử trên toàn thế giới năm 2019, với những người trẻ tuổi từ 15-29, tự tử là nguyên nhân tử vong cao thứ tư sau tai nạn giao thông, bệnh lao và bạo lực.

Mặc dù có tỷ lệ khác nhau giữa các quốc gia, khu vực và giới tính, nhưng phân tích cho thấy số nam giới tự sát nhiều hơn gấp đôi so với phụ nữ. Tỷ lệ này nhìn chung cao hơn ở các nước thu nhập cao, trong khi tỷ lệ tự tử ở phụ nữ cao nhất ở các nước có thu nhập trung bình.

Trong khi báo cáo cho thấy tỷ lệ tự tử trên toàn cầu giảm 36% từ năm 2000 đến năm 2019, khu vực châu Mỹ lại đang chứng kiến ​​mức tăng 17%. Theo đó, WHO cho rằng cần phải có “một sự tăng tốc đáng kể” trong việc giảm thiểu tình trạng tự tử để đạt được mục tiêu Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào năm 2030.

Các biện pháp can thiệp

Hướng dẫn của WHO về phòng chống tự tử nhấn mạnh rằng trong thời đại truyền thông xã hội, các thông tin trên phương tiện truyền thông có thể thúc đẩy tình trạng bắt chước các vụ tự tử, nhất là với người nổi tiếng. Hướng dẫn cũng khuyến nghị làm việc với các công ty truyền thông xã hội để nâng cao nhận thức và loại bỏ nội dung có hại.

Song song đó, các chiến lược chính của WHO cũng bao gồm hạn chế tiếp cận với các phương tiện tự sát như thuốc trừ sâu và súng cầm tay, giáo dục giới truyền thông về cách đưa tin có trách nhiệm, giúp tăng cường kỹ năng sống về tình cảm xã hội ở thanh thiếu niên và nhận diện sớm những người bị ảnh hưởng bởi ý nghĩ tự tử.

Theo WHO, một nửa các vấn đề về sức khỏe tâm thần xuất hiện trước khi trẻ 14 tuổi, nên tuổi vị thành niên là giai đoạn quan trọng. Do đó, cần khuyến khích các chương trình chống bắt nạt học đường và các dịch vụ hỗ trợ trong trường học khi xác định trẻ có nguy cơ tự tử.

BẢO NGHI (Lược dịch từ UN & WHO)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

27 điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Trung Bộ

Do ảnh hưởng của mưa kéo dài, mô hình độ ẩm đất tại một số khu vực ở Trung Bộ đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong khi đó, dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực trên tiếp tục có mưa. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại nhiều địa phương.

27 điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Trung Bộ
Bão chồng bão, nguy cơ hình thành bão số 8 trên Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sau bão Yingxing, Biển Đông tiếp tục có những diễn biến thời tiết phức tạp khi xuất hiện một cơn bão mới có tên quốc tế là TORAJI, đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines).

Bão chồng bão, nguy cơ hình thành bão số 8 trên Biển Đông
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top