Ghi nhận hàng trăm vụ tử vong ở trẻ em do uống phải thuốc bị nhiễm độc ở nhiều nước trên thế giới, qua đó đòi hỏi hành động giải quyết ngay để ngăn chặn hậu quả xấu. Ảnh minh họa: Kun uz/TTXVN/Vietnam+
Trong 4 tháng qua, các quốc gia đã cảnh báo về một số sự cố về thuốc ho không kê đơn dành cho trẻ em, được xác nhận, hoặc có nghi ngờ bị nhiễm diethylene glycol (DEG) và ethylene glycol (EG) ở mức độ cao. Các trường hợp ghi nhận đến từ ít nhất 7 quốc gia, liên quan đến hơn 300 trường hợp tử vong ở 3 trong số các nước này. Nạn nhân hầu hết là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Những chất gây ô nhiễm này là những hóa chất độc hại, được sử dụng làm dung môi công nghiệp và chất chống đông, có thể gây tử vong ngay cả khi chỉ uống một lượng nhỏ và không bao giờ được có trong thành phần của thuốc.
Dựa trên báo cáo của các quốc gia, WHO đã đưa ra 3 cảnh báo y tế toàn cầu để giải quyết các vấn đề này. Trong đó, cảnh báo Sản phẩm Y tế số 6/2022 vào ngày 5/10/2022 tập trung vào đợt bùng phát ở Gambia, Cảnh báo Sảm phẩm Y tế số 7/2022 ngày 6/11/2022 tập trung vào sự việc xảy ra ở Indonesia và Cảnh báo Sản phẩm Y tế số 1/2023 vào ngày 11/1/2023 tập trung vào vấn đề xảy ra ở Uzbekistan.
Các cảnh báo về Sản phẩm Y tế của WHO đã nhanh chóng được phổ biến tới các cơ quan y tế quốc gia của tất cả 194 quốc gia thành viên của WHO. Các cảnh báo về sản phẩm y tế này được yêu cầu bên cạnh những điều khác bao gồm: Phát hiện và loại bỏ các loại thuốc có độc khỏi thị trường; Tăng cường giám sát và rà soát trong chuỗi cung ứng của các quốc gia và khu vực có khả năng bị ảnh hưởng; Thông báo ngay lập tức cho WHO nếu phát hiện trong nước có sản phẩm kém chất lượng này. Cùng lúc tuyên truyền cho công chúng về sự nguy hiểm và tác dụng độc hại của các loại thuốc kém chất lượng đang được đề cập.
Do đây không phải là sự cố riêng lẻ, WHO kêu gọi các bên liên quan chính khác tham gia vào chuỗi cung ứng y tế cần có hành động phối hợp và ngay lập tức.
Cụ thể, WHO kêu gọi các cơ quan quản lý và chính phủ cần:
Phát hiện và loại bỏ khỏi thị trường bất kỳ sản phẩm y tế kém chất lượng nào đã được xác định trong các cảnh báo y tế của WHO, được đề cập ở trên là nguyên nhân tiềm ẩn gây tử vong và bệnh tật.
Đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm y tế trên các thị trường tương ứng đều được cơ quan có thẩm quyền cho phép bán và có thể mua được từ các nhà cung cấp được ủy quyền/cấp phép.
Chỉ định các nguồn lực thích hợp để cải thiện và tăng cường kiểm tra dựa trên rủi ro đối với các sản phẩm y tế được tung ra thị trường tương ứng, bao gồm cả thị trường phi chính thức, cùng với đó là ban hành và thực thi các điều luật và biện pháp pháp lý phù hợp, liên quan để chống lại việc sản xuất, phân phối và/hoặc sử dụng thuốc giả và kém chất lượng.
WHO kêu gọi các nhà sản xuất thuốc
Chỉ mua tá dược, dược phẩm từ các nhà cung cấp đủ tiêu chuẩn và trung thực.
Tiến hành kiểm nghiệm toàn diện khi nhận vật tư và trước khi đưa vào sản xuất thành phẩm.
Cung cấp sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm bao gồm thông qua chứng chỉ phân tích dựa trên kết quả thử nghiệm phù hợp và lưu giữ hồ sơ chính xác, đầy đủ và phù hợp về việc mua nguyên liệu, thử nghiệm, sản xuất và phân phối để tạo điều kiện truy xuất nguồn gốc trong quá trình điều tra, nếu có trường hợp xảy ra sự cố.
WHO kêu gọi tất cả các nhà cung cấp và phân phối sản phẩm y tế:
Luôn kiểm tra các dấu hiệu giả mạo và tình trạng thực tế của thuốc và các sản phẩm y tế khác mà họ phân phối và/hoặc bán.
Chỉ phân phối, bán thuốc được cấp phép và từ nguồn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Lưu giữ hồ sơ chính xác, đầy đủ và thích hợp liên quan đến thuốc và việc phân phối và/hoặc bán thuốc.
Đưa ra lời khuyên cho người dân về cách sử dụng thuốc phù hợp.
Ngoài ra, WHO cũng sẽ tiếp tục hợp tác với Cơ chế Quốc gia Thành viên về các sản phẩm y tế giả và không đạt tiêu chuẩn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình nhằm thúc đẩy hợp tác hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các sản phẩm y tế giả và kém chất lượng.
Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)