Thế giới

WHO kêu gọi hiệp định đại dịch trong năm 2024

ClockThứ Tư, 27/12/2023 07:45
TTH.VN - Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/12 cho biết, thế giới cần chuẩn bị chu đáo cho các đại dịch trong tương lai, sau khi kết thúc 3 năm “khủng hoảng, đau đớn và mất mát” do COVID-19.

WHO: Biến đổi khí hậu là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất của nhân loạiWHO: Sức khỏe phải là trọng tâm của các kế hoạch khí hậu quốc gia

 Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại tiểu bang Michigan, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong thông điệp cuối năm của mình, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, năm 2023 đã đánh dấu một bước ngoặt trong việc chống lại những thách thức lớn về y tế nhưng cũng mang đến “những sự đau khổ trên quy mô lớn và có thể tránh được”.

Qua đó, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi tăng cường các nỗ lực cứu trợ cho Dải Gaza, đồng thời kêu gọi các quốc gia ký kết một hiệp định đại dịch “to lớn”, nhằm khắc phục những lỗ hổng về sự chuẩn bị sẵn sàng đã được bộc lộ trong đại dịch. Được biết, Tổng Giám đốc WHO đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do COVID-19 vào tháng 5.

“Điều này đánh dấu một bước ngoặt đối với thế giới, sau 3 năm khủng hoảng, đau đớn và mất mát đối với người dân khắp nơi… Tôi vui mừng khi nhìn thấy cuộc sống đã trở lại bình thường”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm.

Bên cạnh đó, sau 10 tháng, WHO cũng đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tương tự đối với bệnh đậu mùa khỉ vào tháng 5/2023, trong khi cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã phê duyệt các loại vaccine mới đối với bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và viêm màng não.

Đáng chú ý, Azerbaijan, Belize và Tajikistan được tuyên bố không còn bệnh sốt rét.

Người đứng đầu WHO cũng lưu ý, những tác động sức khỏe của tình trạng biến đổi khí hậu đã được nêu bật tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28), hội nghị khí hậu thường niên mới nhất của LHQ vừa được tổ chức cách đây vài tuần.

Tuy nhiên, “2023 cũng là một năm của những mối đe dọa đối với sức khỏe, sự đau khổ trên quy mô lớn và có thể tránh được”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm; đồng thời cho hay, sự bùng phát trở lại của bệnh tả, với số lượng kỷ lục hơn 40 đợt bùng phát trên toàn thế giới, cũng là điều “đặc biệt đáng lo ngại”.

Về mặt chuẩn bị và ứng phó với tình trạng khẩn cấp, vẫn còn những lỗ hổng trong khả năng sẵn sàng của thế giới trong việc ngăn chặn đại dịch tiếp theo.

“Thế nhưng, năm 2024 mang đến một cơ hội duy nhất để giải quyết những khoảng trống này”, Tổng Giám đốc WHO nhận định, khi các quốc gia đàm phán về thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về các mối đe dọa đại dịch.

“Hiệp định đại dịch đang được thiết kế để thu hẹp khoảng cách trong cộng tác, hợp tác và công bằng toàn cầu”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.

LÊ THẢO (Lược dịch từ AFP & CNA)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva và Chuyến tàu tập kết

Tối 1/9, chương trình cầu truyền hình Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024) đã diễn ra tại ba điểm cầu Khu lưu niệm Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải Quân (phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh (Phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 tại thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva và Chuyến tàu tập kết
WHO kêu gọi quyên góp 135 triệu USD ứng phó với đậu mùa khỉ

Ngày 23/8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi hành động chung toàn cầu để kiểm soát đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ (mpox) mới, đồng thời cho biết kế hoạch ứng phó sẽ cần ít nhất 135 triệu USD trong 6 tháng tới.

WHO kêu gọi quyên góp 135 triệu USD ứng phó với đậu mùa khỉ
Return to top