Thế giới

WHO: Mỗi ngày, thương tích và bạo lực làm tử vong khoảng 12.000 người trên thế giới

ClockThứ Tư, 30/11/2022 11:26
TTH.VN - Theo một báo cáo mới được công bố hôm qua (29/11) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi ngày, tai nạn thương tích và bạo lực đã cướp đi sinh mạng của khoảng 12.000 người trên khắp thế giới.

LHQ công bố sáng kiến ​​cải thiện an toàn đường bộ toàn cầu"Giảm tốc độ là đóng góp quan trọng cho SDGs”Thái Lan: Tử vong do tai nạn giao thông tăng đột biến trong dịp năm mới

Cần đẩy mạnh các chương trình an toàn đường bộ để giam thiểu thương vong do tai nạn giao thông. Ảnh minh hoạ: Torque Singapore

Trong báo cáo “Tổng quan về ngăn ngừa thương tích và bạo lực”, WHO tiết lộ, thương tích giao thông đường bộ, tự tử và bị sát hại là ba trong số năm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người từ 5 đến 29 tuổi.

Ngoài ra, những nguyên nhân gây tử vong liên quan đến thương tích khác bao gồm chết đuối, ngã, bỏng và ngộ độc. 

Cụ thể, trong số 4,4 triệu ca tử vong liên quan đến chấn thương hàng năm, báo cáo cho thấy khoảng 1/3 là do tai nạn giao thông đường bộ, 1/6 do tự tử, 1/9 do bị giết và 1/61 do chiến tranh và xung đột.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết: “Những người sống trong cảnh nghèo đói có nhiều khả năng bị chấn thương hơn những người giàu có… Ngành y tế có vai trò chính trong việc giải quyết những bất bình đẳng về sức khỏe này và ngăn ngừa thương tích và bạo lực, thông qua thu thập dữ liệu, xây dựng chính sách, cung cấp dịch vụ và lập chương trình để phòng ngừa và chăm sóc, xây dựng năng lực và vận động để quan tâm nhiều hơn đến các cộng đồng chưa được phục vụ”.

Tuy nhiên, tình trạng này có thể được giảm thiểu bằng nhiều biện pháp can thiệp hiệu quả và chi phí thấp.

Ví dụ, Tây Ban Nha đã đặt giới hạn tốc độ mặc định di chuyển trong các thành phố là 30 km/h, nhằm cải thiện an toàn đường bộ. Tại Việt Nam, việc cung cấp thêm các khóa đào tạo bơi lội cho cộng đồng đang giúp giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước.

Trong khi đó, trong nỗ lực bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi bạo lực tình dục ở Philippines, thông qua luật nâng độ tuổi quan hệ tình dục từ 12 lên 16 tuổi, đã tạo ra sự khác biệt tích cực.

Cần ý chí chính trị

Mặc dầu vậy, hầu hết các quốc gia đang thiếu hoặc không có đủ các biện pháp để bảo vệ tính mạng, điều này đòi hỏi phải đầu tư thích đáng và có ý chí chính trị mạnh mẽ.

Ông Etienne Krug, Giám đốc Ban các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe của WHO nhấn mạnh rằng “cần phải tăng tốc hành động để tránh những đau thương không cần thiết này cho hàng triệu gia đình mỗi năm”.

“Chúng tôi biết cần phải làm gì và những biện pháp hiệu quả này phải được nhân rộng trên khắp các quốc gia và cộng đồng để cứu sống nhiều người hơn”, ông khẳng định.

Báo cáo này của WHO đã được công bố trong Hội nghị Thế giới lần thứ 14 về Phòng ngừa Thương tích và Thúc đẩy An toàn, hiện đang diễn ra tại Adelaide, Australia. Sự kiện này tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu và học viên phòng chống thương tích và bạo lực hàng đầu thế giới tiếp tục ủng hộ các biện pháp dựa trên bằng chứng để ngăn ngừa tai nạn thương tích và bạo lực.

Báo cáo cũng nêu bật các biện pháp phòng ngừa và hướng dẫn kỹ thuật hiện có của WHO có thể hỗ trợ các quyết định nhằm mở rộng nỗ lực phòng ngừa.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
Return to top