Thế giới

WHO phê duyệt vaccine ngừa sốt rét thứ hai cho trẻ em

ClockThứ Ba, 03/10/2023 10:30
TTH.VN - Ngày 2/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị sử dụng một loại vaccine ngừa sốt rét mới cho trẻ em, một động thái có thể mang lại cho các quốc gia một lựa chọn rẻ hơn và sẵn có hơn so với loại vaccine đầu tiên ngừa sốt rét được phê duyệt gần 2 năm trước.

BioNTech sẽ phát triển vaccine sốt rét theo công nghệ mRNACông bố vaccine chống sốt rét đầu tiên trên thế giới

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa bệnh sốt rét cho trẻ em tại Gisambai, Kenya. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo WHO, vaccine R21/Matrix-M do Đại học Oxford của Anh phát triển có thể được sử dụng để hạn chế căn bệnh lây lan sang người do muỗi truyền và có thể đe dọa tính mạng này.

Đây là loại vaccine sốt rét thứ hai được WHO khuyến nghị, sau khi vaccine ngừa sốt rét đầu tiên trên thế giới RTS,S/AS01 được WHO phê duyệt vào tháng 10/2021.

“Là một nhà nghiên cứu về bệnh sốt rét, tôi từng mơ đến một ngày chúng ta sẽ có một loại vaccine phòng chống sốt rét an toàn và hiệu quả. Giờ đây chúng ta đã có 2 loại”, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO nói, và cho biết thêm rằng “cả hai loại vaccine đều được chứng minh là an toàn, hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh sốt rét ở trẻ em. Khi được triển khai rộng rãi, dự kiến hai loại vaccine này sẽ có tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng”.

Theo WHO, bệnh sốt rét “đặt gánh nặng đặc biệt cao lên trẻ em ở khu vực châu Phi”, với gần nửa triệu trẻ em tử vong trong tổng số hơn 600.000 ca tử vong vì sốt rét mỗi năm trên toàn cầu.

Nhu cầu cao chưa từng có

Nhu cầu về vaccine sốt rét đang tăng cao chưa từng có; tuy nhiên, vaccine RTS,S đang bị thiếu hụt. Việc bổ sung R21/Matrix-M vào danh sách các mũi tiêm được phê duyệt dự kiến sẽ mang lại nguồn cung đủ để cung cấp cho tất cả trẻ em sống ở những khu vực mà bệnh sốt rét đã trở thành “nguy cơ sức khỏe cộng đồng”.

Theo ông Tedros, đây được xem là “một công cụ bổ sung quan trọng để bảo vệ nhiều trẻ em hơn, nhanh hơn và đưa chúng ta đến gần hơn với tầm nhìn về một tương lai không còn bệnh sốt rét”.

Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, Tiến sĩ Matshidiso Moeti cho biết loại vaccine mới này “có tiềm năng thực sự để thu hẹp khoảng cách cung - cầu rất lớn hiện nay. Được cung cấp trên quy mô lớn và triển khai rộng rãi, hai loại vaccine này có thể giúp tăng cường các nỗ lực phòng chống và kiểm soát bệnh sốt rét, đồng thời cứu sống hàng trăm nghìn trẻ em ở châu Phi khỏi căn bệnh chết người này”.

Bước đi tiếp theo

R21/Matrix-M được Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất hàng loạt và sử dụng tá dược Matrix M của hãng dược Novavax.

Theo Tổng giám đốc Tedros, việc R21/Matrix-M nhận được sự chấp thuận của WHO sẽ cho phép Liên minh Vaccine Toàn cầu (GAVI) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) mua vaccine từ các nhà sản xuất.

Được biết, loại vaccine này sẽ được triển khai ở một số quốc gia châu Phi, bao gồm Burkina Faso, Ghana và Nigeria vào đầu năm 2024 và sẽ có mặt ở các quốc gia khác vào giữa năm 2024. Mỗi liều vaccine sẽ có giá từ 2 - 4 USD.

WHO cho biết đã phê duyệt loại vaccine sốt rét mới này dựa trên tư vấn của hai nhóm chuyên gia: Nhóm tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) và Nhóm tư vấn chính sách sốt rét (MPAG).

Cũng theo WHO, cả hai loại vaccine RTS,S và R21 đều cho thấy hiệu quả tương tự trong các thử nghiệm riêng biệt, nhưng nếu không có thử nghiệm đối đầu thì không có bằng chứng nào cho thấy loại vaccine nào hoạt động tốt hơn.

Cơ quan này để các quốc gia tự quyết định việc sử dụng sản phẩm nào dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả khả năng chi trả và nguồn cung.

Ông Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành của Viện Huyết thanh Ấn Độ, tuyên bố đã sản xuất hơn 20 triệu liều theo khuyến nghị của WHO và “sẽ tăng cường sản xuất tùy theo nhu cầu”. “Chúng tôi hy vọng rằng đến cuối năm 2024, sẽ không có sự mất cân đối giữa cung và cầu, khi nguồn cung của chúng tôi đi vào hệ thống”, ông Poonawalla .

Khuyến cáo phòng chống sốt xuất huyết, viêm màng não

Ngoài ra, WHO cũng khuyến nghị sử dụng vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết Qdenga của Takeda Pharmaceuticals (4502.T) cho trẻ em từ 6 - 16 tuổi sống ở những khu vực nơi căn bệnh này là “một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng”.

Sốt xuất huyết - phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, cũng là một bệnh do virus lây lan từ muỗi sang người.

Nhóm cố vấn SAGE của WHO cũng khuyến nghị tất cả các quốc gia trong “vành đai viêm màng não” châu Phi nên đưa vaccine viêm màng não mới (Men5CV) vào các chương trình tiêm chủng thông thường. Theo WHO, một liều duy nhất được tiêm trong giai đoạn trẻ từ 9 - 18 tháng tuổi sẽ giúp chống lại căn bệnh này.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters & UN)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày Trẻ em thế giới (20/11):
UNICEF chỉ ra những xu hướng lớn sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em

Sự thay đổi nhân khẩu học, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, và quá trình chuyển đổi công nghệ nhanh chóng có nguy cơ tạo ra một tương lai ảm đạm cho trẻ em vào giữa thế kỷ 21, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo trong một báo cáo thường niên, được công bố vào Ngày Trẻ em thế giới (20/11).

UNICEF chỉ ra những xu hướng lớn sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em
Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Ngày 13/11, tại Nhà thi đấu huyện Phong Điền, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với UBND huyện Phong Điền tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 trên toàn tỉnh với chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới".

Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top