Các nhà khoa học Pháp phân tích các mẫu bệnh phẩm có khả năng nhiễm virus corona chủng mới ở Viện Pasteur, Paris vào tháng 2-2020 - Ảnh: AP
Nước tôi, nước anh. Ngôn ngữ của tôi, ngôn ngữ của anh. Vị trí địa lý của tôi, vị trí địa lý của anh. Đó là thứ gì đó thực sự rất xa lạ với các nhà khoa học đỉnh cao đích thực.
Tiến sĩ Francesco Perrone (người chủ trì một nghiên cứu lâm sàng về virus corona tại Ý) chia sẻ
Trong khi chính phủ các nước buộc phải đóng cửa biên giới vật lý để ngăn chặn dịch thì những quan hệ kết nối, hợp tác liên quốc gia, liên lục địa giữa các nhà khoa học y khoa, các bác sĩ lại ngày càng mở rộng hơn bao giờ hết.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Theo báo New York Times, trong cuộc chiến chống virus corona chủng mới gây dịch COVID-19, không chỉ các nhà khoa học và bác sĩ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác cũng đã xắn tay áo tham gia.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được và chia sẻ hàng trăm kết quả giải mã bộ gen virus. Hơn 200 nghiên cứu lâm sàng đã được thực hiện, tạo sự kết nối chưa từng có trong lịch sử giữa các bệnh viện và phòng thí nghiệm trên toàn thế giới.
Phòng thí nghiệm của tiến sĩ Duprex, nhà virus học phụ trách nghiên cứu văcxin của ĐH Pittsburgh, hiện đang hợp tác với Viện Pasteur ở Paris (Pháp) và Hãng dược Themis Bioscience (Úc). Họ cũng đang đàm phán với Viện Huyết thanh Ấn Độ, một trong những nhà sản xuất văcxin lớn nhất thế giới của Ấn Độ, để tìm cách ứng phó với COVID-19.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu văcxin tại Oxford (Anh) gần đây cũng đã được tận dụng những kết quả thử nghiệm trên động vật do Phòng thí nghiệm Rocky Mountain của Viện Sức khỏe quốc gia tại Montana chia sẻ.
Hay trong một dự án khác, Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng Pháp Inserm cũng đang bảo trợ cho các nghiên cứu lâm sàng với 4 loại thuốc có thể giúp điều trị bệnh nhân COVID-19. Những thử nghiệm này đang triển khai tại Pháp, nhưng đã có kế hoạch sẽ mở rộng sang các nước khác.
Sự hợp tác quốc tế giữa các chuyên gia y khoa các nước là chuyện không mới. Chẳng hạn ngay lúc này đây, tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ), một nhóm bác sĩ Trường y Harvard đang thử nghiệm độ hiệu quả của phương pháp sử dụng điều trị thở khí NO (nitric oxide) với người bệnh nhiễm corona.
Nghiên cứu này được thực hiện kết hợp với Bệnh viện Tây Kinh (Trung Quốc) và hai bệnh viện khác ở miền bắc nước Ý. Các bác sĩ tại các trung tâm đó đã hợp tác với nhau trong nhiều năm.
Nhưng dịch COVID-19 lại kích hoạt đặc trưng quốc tế của cộng đồng khoa học theo những cách thức chưa từng thấy ở những dịch bệnh đã có.
Điều này phản ánh quy mô bao trùm của dịch bệnh và còn một thực tế nữa: với nhiều nhà nghiên cứu, dịch bệnh bây giờ đã và đang hoành hành ngay tại chính quê nhà của họ chứ không phải một nơi nghèo khó, xa xôi nào nữa.
Cũng có nhiều nhà khoa học nói những gì đang diễn ra hiện nay khá giống với thời điểm đỉnh cao của dịch AIDS những năm 1990, khi các nhà khoa học và các bác sĩ nỗ lực tìm cách chống căn bệnh.
Song với sự phát triển của công nghệ và tốc độ chia sẻ thông tin hiện nay, tính liên kết quốc tế của cộng đồng y khoa đã vượt xa hơn rất nhiều so với 3 thập kỷ trước.
Xóa bức màn bí mật
Theo tiến sĩ Ryan Carroll - giáo sư y khoa Harvard, một người cũng đang tham gia thử nghiệm với virus corona chủng mới, dịch bệnh COVID-19 còn xóa đi thói quen lâu nay của giới nghiên cứu y khoa là làm việc trong bí mật.
Một nghiên cứu lớn, độc quyền có thể mang lại nhiều khoản tài trợ lớn, cơ hội thăng tiến và kéo dài nhiệm kỳ, do đó các nhà khoa học thường làm việc trong lặng lẽ, đôi khi còn có chuyện ngăn cản các đối thủ tiềm năng tiếp cận dữ liệu khoa học.
Một thực tế cho thấy tinh thần cởi mở này là số công trình chia sẻ tăng vọt tại hai kho lưu trữ trực tuyến medRxiv và bioRxiv.
Các kho lưu trữ này hiện ngập tràn các nghiên cứu về virus corona chủng mới trên toàn thế giới. Các nhà khoa học Trung Quốc đóng góp một số lượng đáng kể trong đó.
Trên nhiều phương diện, các nhà khoa học Trung Quốc đang dẫn dắt công tác nghiên cứu dịch bệnh COVID-19 của thế giới. Chính một phòng thí nghiệm Trung Quốc là nơi đầu tiên công bố bộ giải mã gen virus corona chủng mới hồi tháng 1.
Tiết lộ này đã tạo cơ sở cho các thử nghiệm với virus corona trên toàn thế giới. Tờ New York Times cho rằng một số thử nghiệm lâm sàng hứa hẹn nhất hiện nay cũng đã bắt nguồn từ những nghiên cứu sớm ban đầu về căn bệnh này ở Trung Quốc.
Mỹ cung cấp 16 siêu máy tính
Trong nỗ lực nhằm thúc đẩy nhanh quá trình tìm văcxin và thuốc trị COVID-19, theo báo Wall Street Journal, Chính phủ Mỹ, Công ty International Business Machines (IBM) và các công ty khác sẽ cho giới nghiên cứu trên toàn thế giới tiếp cận ít nhất 16 siêu máy tính để giúp tăng tốc quá trình bào chế, phát triển văcxin cũng như thuốc điều trị COVID-19.
Mục tiêu mở 16 siêu máy tính nhằm giúp các nhà nghiên cứu trên toàn cầu có cơ hội tiếp cận nguồn tài nguyên điện toán mạnh mẽ nhất chỉ vài ngày sau khi họ nộp dự án nghiên cứu của mình.
|