Thế giới

Yêu cầu ứng phó khẩn cấp với biến đổi khí hậu ở sông Mekong

ClockThứ Ba, 11/05/2021 08:38
TTH - Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, dân số tăng theo cấp số nhân, đô thị hóa, công nghiệp hóa và sản xuất nông nghiệp gia tăng trong khu vực, nhu cầu về nước và các nguồn tài nguyên từ sông ngòi đã và đang tăng lên đáng kể, từ đó phát sinh suy thoái môi trường, khan hiếm tài nguyên và tranh giành giữa các nhóm người sử dụng tài nguyên, bao gồm người dân địa phương, các cơ quan phát triển, tổ chức bảo tồn và khu vực tư nhân, cũng như giữa các nước thượng nguồn và hạ nguồn.

Sông Mekong trước những bất thườngTổ chức trực tuyến Hội nghị cấp cao Hợp tác sông Mekong-Lan Thương

Cần hợp tác đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực sông Mekong. Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn

Tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu bao gồm hạn hán, lũ lụt và nước biển dâng. Ban đầu với hạn hán, trong giai đoạn 2019 – 2020, mực nước sông Mekong đã trải qua thời kỳ hạn hán nghiêm trọng với mực nước thấp kỷ lục. Theo báo cáo tình hình năm 2020 của Ủy hội sông Mekong (MRC), 7 tháng đầu năm 2020, lượng mưa ở mức 334mm, thấp hơn 2 lần so với mức trung bình là 731mm trong giai đoạn 2008 – 2017.

Trong những thập kỷ gần đây, ngày càng có nhiều khuôn khổ hợp tác ở khu vực sông Mekong, từ Hiệp định Hạ lưu sông Mekong 1995, Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa Ban thư ký MRC và Ban thư ký ASEAN, Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Praya – Mekong, Hợp tác Mekong – Lan Thương... Mặc dù việc có nhiều hơn các chủ thể tham gia vào quá trình phát triển và quản lý sông Mekong là một dấu hiệu tốt, nhưng những nỗ lực thiếu phối hợp lại cũng có thể dẫn đến xung đột và đấu tranh gay gắt trong khu vực.

Để giải quyết những thách thức đang nổi lên này, cần phải có hành động can thiệp khẩn cấp. Thứ nhất, phải tăng gấp đôi nỗ lực ngoại giao về nước và khí hậu trong khu vực sông Mekong. Tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tư vấn dựa trên sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, cũng như lợi ích cho đôi bên cần được duy trì và đẩy mạnh nhằm giải quyết sự khác biệt và tìm ra các giải pháp thiết thực mang lại kết quả cuối cùng là các bên cùng có lợi, phục vụ cho lợi ích của các nước ven sông và Nhân dân nơi đây.

Thứ hai, điều quan trọng là phải tăng cường thu thập và chia sẻ dữ liệu theo thời gian trên toàn khu vực. Chia sẻ dữ liệu chính xác và minh bạch là chìa khóa cho việc lập kế hoạch, ra quyết định và phản hồi có lợi cho các nước thành viên. Ngoài ra, dự báo khí tượng về hạn hán và lũ lụt và các biện pháp can thiệp như cảnh báo sớm và xả nước từ các đập cần được thông báo kịp thời và rộng rãi với người dân để công đoạn chuẩn bị và ứng phó được hiệu quả.

Thứ ba, chính sách và kế hoạch quốc gia về quản lý nước cần phải được xem xét lại với sự cân nhắc kỹ lưỡng về tác động khí hậu và cách đối phó trong khu vực.

Thứ tư, kế hoạch chia sẻ nước giữa nhiều lĩnh vực của nền kinh tế bao gồm năng lượng, thực phẩm, công nghiệp và tiêu dùng hằng ngày phải bình đẳng hơn và công bằng hơn nhằm ngăn chặn các xung đột có thể xảy ra do khan hiếm nước, như hạn hán nghiêm trọng xảy ra các năm từ 2019 đến 2020. Nhóm người dễ bị tổn thương cần được ưu tiên tiếp cận và sử dụng nước trong trường hợp khẩn cấp.

Cuối cùng, cần hỗ trợ cho các nhóm người dễ bị tổn thương, định cư dọc theo sông Mekong hoặc các nhánh sông. Với sinh kế phụ thuộc nhiều vào nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên liên quan đến nước, canh tác tổng hợp, sử dụng công nghệ tiết kiệm nước và máy bơm năng lượng mặt trời, trồng cây chống hạn, lũ, phát triển du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp... là cần thiết để hỗ trợ địa phương và con người trong khu vực…

Hạnh Nhi

 (Lược dịch từ Khmer Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025

Các nhà khoa học từ Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S) ngày 9/12 cho biết nhiệt độ “cao bất thường” dự kiến ​​sẽ kéo dài sang ít nhất vài tháng đầu năm 2025, sau khi năm 2024 được báo cáo là năm ấm nhất thế giới kể từ khi có số liệu thống kê.

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025
Return to top