Tuyển bắn cung Huế và VĐV bạn tại giải Vô địch cung thủ xuất sắc toàn quốc 2020
“Cánh én” Thanh Nhi
Thành lập từ năm 2014, với xuất phát điểm khiêm tốn cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất khi tuyển bắn cung Huế chỉ có 3 VĐV, 3 bộ cung 1 dây và tập “ké” sân của Đoàn Bóng đá Huế, vậy mà chỉ sau mấy năm, tuyển bắn cung Huế đã có thể làm dày bộ sưu tập với hàng loạt huy chương ở những đấu trường đẳng cấp.
Qua thời gian ngắn trui rèn, tranh tài ở các giải đấu lớn nhỏ, có lẽ 2019 là năm đáng nhớ nhất của tuyển bắn cung Huế khi thầy trò HLV Lại Đăng Quang liên tiếp gặt hái những thành tích khiến các đơn vị mạnh trên toàn quốc phải thay đổi ánh nhìn với 4 HCV, 3 HCB, 5 HCĐ ở 4 mặt trận: vô địch cung thủ xuất sắc, vô địch trẻ, vô địch các đội mạnh và giải vô địch toàn quốc. Còn mới đây, ở giải vô địch cung thủ xuất sắc toàn quốc 2020 (19-25/6) – giải đấu đầu tiên trong năm nay của bắn cung Việt Nam và cũng là giải đấu lần đầu tiên Huế đăng cai, các cung thủ Huế đã giành 1 HCB, 1 HCĐ.
Nếu so với nhiều tỉnh, thành có truyền thống, thế mạnh về bắn cung, như: Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Sóc Trăng, Vĩnh Long…, tổng số huy chương của bắn cung Huế trong năm 2019 và tại giải vô địch cung thủ xuất sắc toàn quốc 2020 vẫn “chưa là gì”. Tuy nhiên, nếu biết thành tích nói trên của một đội tuyển chỉ có 8 VĐV và chủ yếu xoay quanh Nguyễn Thị Thanh Nhi thì lại là câu chuyện khác.
Thanh Nhi tranh tài tại giải Vô địch cung thủ xuất sắc toàn quốc 2020
Hai năm qua, Nguyễn Thị Thanh Nhi đã cho thấy vai trò của mình khi trong tổng số 14 tấm huy chương các loại ở 5 giải đấu trên mà tuyển bắn cung Huế đạt được, một mình Thanh Nhi đã giành tới 13 huy chương cả ở cá nhân lẫn đồng đội.
Đáng nói hơn, bằng tài năng của mình, nữ cung thủ đã bắt kịp kỷ lục quốc gia cung 1 dây cự ly 60m nữ tại giải vô địch trẻ toàn quốc thiết lập năm 2017, đồng thời, tạo cú sốc khi lập nên kỷ lục quốc gia mới nội dung cung 1 dây cự ly 30m ở giải vô địch các đội mạnh quốc gia sau khi xô ngã kỷ lục cũ tồn tại hơn 1 thập kỷ.
Điểm qua để thấy, dù mới thành lập, nhưng bắn cung Huế đã xuất hiện một tài năng có thể gánh vác trọng trách cho toàn đội, đây là điều rất đáng mừng. Nhưng ở góc độ khác, “cánh én” Thanh Nhi liệu có thể làm nên “mùa xuân” cho tuyển bắn cung Huế, cũng như sẽ rất nguy hiểm nếu thành tích toàn đội quá phụ thuộc vào VĐV này, trong khi chặng đường phía trước vẫn còn tít tắp.
Tránh “chóng nở, sớm tàn”
Với tổng số 8 VĐV, trong đó, nếu không tính Thanh Nhi vừa mới khoác áo tuyển quốc gia (tháng 3/2020) thì tuyển bắn cung Huế chỉ có 2 VĐV cấp kiện tướng và 5 VĐV năng khiếu – một đội tuyển có lực lượng vừa non, vừa mỏng nhất làng bắn cung Việt Nam.
Cũng chính điều này, nên vô hình trung, Thanh Nhi vẫn đang là VĐV đầu tàu gánh vác thành tích cho toàn đội, đồng nghĩa áp lực mỗi lúc ra sân ngày càng đè nặng lên đôi vai nữ cung thủ này. Nhất là đến hiện tại, Thanh Nhi và đồng đội vẫn đang thiếu những đợt tập huấn, cọ xát chất lượng để trui rèn kinh nghiệm, bản lĩnh để vượt qua áp lực mỗi khi thi đấu.
Minh chứng là tại giải vô địch cung thủ xuất sắc toàn quốc 2020, Thanh Nhi nói riêng chịu không ít áp lực khi thi đấu trên sân nhà, khiến bắn cung Huế không thể giành HCV tại giải này như năm 2019. Còn riêng cá nhân Thanh Nhi, tuy có tên cả trong 2 tấm huy chương (1 HCB, 1 HCĐ) tuyển bắn cung Huế giành được, nhưng đây là nội dung đôi và đồng đội, trong khi ở giải này năm ngoái, Thanh Nhi đã xuất sắc giành HCV cá nhân. “Do ít có cơ hội cọ xát nên khi ra sân với tư cách VĐV chủ nhà và phải đối đầu với những cung thủ xuất sắc toàn quốc, Thanh Nhi và đồng đội bị áp lực tâm lý, dẫn đến thành tích không như mong muốn”, HLV tuyển bắn cung Huế - Lại Đăng Quang chia sẻ.
Ngoài vẫn còn non kinh nghiệm, tâm lý ở những giải đấu lớn, tuyển bắn cung Huế và Thanh Nhi còn phải đối mặt với sự tiến bộ của VĐV bạn khi họ có những đầu tư khá lớn. Điển hình là sau khi xô ngã kỷ lục tồn tại hơn 12 năm để lập kỷ lục quốc gia mới ở nội dung cung 1 dây cự ly 30m tại giải vô địch các đội mạnh quốc gia vào tháng 8/2019, thì đến tháng 12/2019, kỷ lục quốc gia Thanh Nhi vừa thiết lập đã nhanh chóng bị xô ngã bởi Đỗ Thị Ánh Nguyệt của đoàn Hà Nội tại giải vô địch toàn quốc.
Thêm một điều đáng lo, hiện tại, chênh lệch giữa Thanh Nhi với 2 VĐV cấp kiện tướng trong đội tuyển bắn cung Huế vẫn còn một khoảng cách nhất định, trong khi 5 VĐV năng khiếu còn lại cần thời gian 2 – 3 năm mới có thể tự tin tranh tài ở các giải đấu lớn. Và nếu một khi Thanh Nhi sa sút phong độ hoặc không may gặp chấn thương, rất khó để tuyển bắn cung Huế tái lập thành tích như năm 2019, cũng như đổi màu huy chương ở 3 giải còn lại, gồm: vô địch trẻ, vô địch các đội mạnh và giải vô địch toàn quốc diễn ra vào các tháng 8, 10 và 11 tới.
Để tuyển bắn cung Huế tránh tình trạng “chóng nở, sớm tàn”, ngay từ bây giờ, những người làm thể thao cần có những quyết sách hợp lý trong quá trình đầu tư, bồi dưỡng, thu hút nhân tài, tuyển chọn, bổ sung lực lượng kế thừa cũng như suy xét đào tạo VĐV cung 3 dây để từ đó có cơ hội làm dày thêm thành tích trong tương lai.
Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG