Thể thao

“Cánh én” Lê Bá Thương

ClockThứ Bảy, 30/01/2021 17:30
TTH - Một thân một mình gầy dựng phong trào từ 2 bàn tay trắng, đến nay CLB Vovinam Huế do Lê Bá Thương dẫn dắt đã phát triển thành Hội Vovinam Huế với 16 CLB cùng hơn 1.000 võ sinh theo học…

Sôi động võ cổ truyền chiều 2 Tết Bính Thân

 Lê Bá Thương - người có công lớn trong gầy dựng, phát triển Vovinam trên đất Huế

Tất cả vì đam mê

Xuất hiện ở Huế vào năm 1960, sau thời gian thăng trầm, thậm chí có lúc vắng bóng, phải đến những năm 2000, Vovinam mới xuất hiện trở lại trong làng võ Cố đô cùng cái tên Lê Bá Thương.

Cũng từ những năm 2000 cho đến hơn chục năm sau, có lúc tưởng chừng phong trào Vovinam Huế thêm một lần nữa lụi tắt khi không ít lần Lê Bá Thương – Chủ tịch Hội Vovinam Huế – chia sẻ rằng, vì đam mê, em không ngại “gồng” hết sức để duy trì, có chăng, chỉ sợ đến một lúc nào đó “sức người có hạn”…

Theo học Thiếu Lâm Nam Sơn từ năm lớp 7, sau khi thi đậu vào Trường đại học Hồng Bàng (TP. Hồ Chí Minh) chuyên ngành võ thuật, cơ duyên đã gắn kết Thương với Vovinam. Khi tốt nghiệp (2007) và trở về Huế, Thương tự liên hệ với nhiều nơi để xin mở lớp dạy Vovinam với mục đích tiếp nối, phát huy tâm huyết, tinh hoa của cố võ sư Nguyễn Lộc – người sáng lập môn võ Vovinam – Việt võ đạo vào năm 1936.

 Võ sinh “nhí” Vovinam Huế

“Quá trình liên hệ thành lập, rồi chiêu sinh, huấn luyện, kết nối để lan tỏa… kể mấy cũng không hết cái sự gian nan, vất vả khiến nhiều lúc bản thân muốn buông xuôi. Nhưng may nhờ có vợ luôn sát cánh, động viên nên mới có thể vượt qua để tiếp tục gầy dựng, lan tỏa Vovinam trên đất Huế”, Thương chia sẻ.

Sau một thời gian chật vật cùng Vovinam đứng chân, công sức của người giáo viên thể dục Trường THCS Nguyễn Sinh Cung - Lê Bá Thương dần được đền đáp. Tuy đang ở cấp độ phong trào, nhưng từ năm 2010 đến nay, các học trò của Thương đã đem về 3 HCV, 8 HCB, 45 HCĐ tại các giải toàn quốc và khu vực, đồng thời, Thương được người trong nghề đánh giá là 1 trong 10 HLV Vovinam đứng đầu toàn quốc.

Không chỉ vậy, từ một CLB với 50 võ sinh, Vovinam do Lê Bá Thương dẫn dắt đã nhân rộng thành 16 CLB cùng hơn 1.000 võ sinh theo học và hiện lớn mạnh khi trở thành Hội Vovinam Huế. Ngoài tham gia tranh tài đem về nhiều thành tích cho tỉnh nhà tại các giải học sinh, sinh viên toàn quốc, các học trò của Lê Bá Thương còn có những đóng góp trong việc quảng bá, lan tỏa bản sắc văn hóa Cố đô nói chung, võ thuật nói riêng qua những lần biểu diễn tại các kỳ Festival Huế, các lễ hội lớn của tỉnh…

Để có được “trái ngọt” như hôm nay, ít ai biết, ở những lần dẫn dắt học trò tham dự giải Thương phải tự bỏ tiền túi. Cũng do khó khăn kinh phí, thay vì đi ô tô, ở khách sạn như các đoàn khác, Thương và học trò phải đi bộ từ nhà trọ đến nơi thi đấu, còn bản thân Thương phải ăn bánh mì để dành tiền cho học trò ăn uống đầy đủ, có sức tranh tài… mới hiểu, bên cạnh nghị lực, quyết tâm còn là những giọt nước mắt mà Thương đã trải qua.

Tự tin vươn tầm

Nhận thấy tiềm năng và độ lan tỏa của Vovinam Huế dưới sự dẫn dắt của Lê Bá Thương, mới đây, HĐND tỉnh đã đồng ý chủ trương đưa Vovinam trở thành môn đầu tư trọng điểm nhóm 3 giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030. Điều này cũng đồng nghĩa, từ phong trào, Vovinam Cố đô đã có cơ hội góp mặt ở những sân chơi đẳng cấp hơn cùng cơ hội phát triển bền vững hơn, lớn mạnh hơn.

Tất nhiên, phong trào và đỉnh cao là 2 phạm trù khác biệt khi có nhiều chênh lệch về đầu tư, cơ sở vật chất, huấn luyện, chất lượng VĐV và lực lượng kế thừa... Dẫu vậy, Lê Bá Thương rất tự tin khi nói rằng, từ đây đến năm 2022, ngoài 2 bộ huy chương ở giải trẻ toàn quốc, Vovinam Huế phấn đấu giành 1 bộ huy chương ở ĐH Thể thao toàn quốc và 2 bộ huy chương ở giải vô địch toàn quốc.

Mới chỉ được tỉnh đồng ý chủ trương đưa vào nhóm môn trọng điểm để đầu tư, vậy đâu là cơ sở để Thương tự tin như vậy, nhất là khi ĐH Thể thao toàn quốc và giải vô địch toàn quốc là 2 sân chơi có độ khốc liệt cao nhất trong hệ thống các giải quốc gia?

“Hiện Vovinam Huế có cơ sở khá vững khi trong số hơn 1.000 võ sinh theo học có rất nhiều võ sinh đủ năng lực để có thể thành lập đội tuyển tranh chấp huy chương ở các giải đấu lớn. Còn về câu chuyện dài hơi, cũng từ lực lượng võ sinh đông đảo, trong đó có hàng trăm học sinh - sinh viên, Vovinam Huế đảm bảo chọn và thành lập đủ - thậm chí dư - các tuyến VĐV từ năng khiếu đến vô địch cùng tính kế thừa bền vững, từ đó tạo nền móng vững chắc để đạt được những thành tích mà tỉnh, ngành kỳ vọng sau khi ưu ái đầu tư”, Lê Bá Thương chia sẻ.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Chuyển đổi để nâng tầm

Thực hiện Quyết định số 2117 ngày 6/8/2024 của UBND tỉnh, Trường trung cấp Thể dục Thể thao được chuyển đổi thành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Mô hình hoạt động mới này nhằm đưa thể thao thành tích cao, các môn thế mạnh của Thừa Thiên Huế phát triển đúng hướng, vươn lên tầm vóc mới.

Chuyển đổi để nâng tầm
Return to top