Một số gương mặt của FC Quốc Học
Từ sân bóng Trường THPT chuyên Quốc Học
Sở dĩ CLB bóng đá phong trào này được lấy tên là Quốc Học vì những cầu thủ nghiệp dư có niềm đam mê với môn thể thao vua chọn địa điểm sân bóng đá Trường THPT chuyên Quốc Học thi đấu.
Anh Châu Trường Phong, một trong những thành viên đầu tiên của FC Quốc Học, nhớ lại: “Đầu tiên là những trận đấu phủi trên sân Quốc Học của một vài anh em đam mê bóng đá. Đến năm 2005, số lượng anh em tham gia thi đấu lên đến 50 người. Mỗi buồi chiều như thế, chúng tôi có đến 3 đội bóng, đội nào thua thì ra nghỉ để cho đội thắng đá đội tiếp theo. Với số lượng cầu thủ đông như vậy, anh em đã bàn nhau thành lập CLB để thi đấu bài bản hơn và cũng là tổ ấm để những người đam mê bóng đá nghiệp dư sinh hoạt.
FC Quốc Học ra đời năm 2005 với 50 thành viên tuổi từ 18 đến 50, trong đó có không ít cầu thủ từng thi đấu cho bóng đá Huế, như Đàn, Thụ, Ánh... và đội trưởng của CLB lúc đó là cựu cầu thủ của đội Thủy sản Huế - Dương Phúc Ánh.
Đến năm 2009, FC Quốc Học được Phòng Văn hóa Thể thao lúc đó, nay là Phòng Văn hoá Thông tin TP. Huế công nhận, có khuôn dấu hẳn hoi để đại diện cho TP. Huế tham gia các giải bóng đá phong trào của tỉnh. Ngoài ra, hàng năm câu lạc bộ còn tổ chức những chuyến thi đấu giao hữu với các đội bóng ở Lăng Cô hay Đông Hà (Quảng Trị). Dù thi đấu ở các giải bóng đá phong trào hay thi đấu giao hữu, FC Quốc Học đều để lại ấn tượng đẹp với lối đá kỹ thuật, không bạo lực, không cay cú ăn thua...
Giải tứ hùng đáng nhớ
Anh Châu Trường Phong vẫn nhớ như in không khí của giải bóng đá Tứ hùng được tổ chức trên sân Quốc Học. Tham gia giải gồm 4 đội bóng phong trào của TP. Huế: Quốc Học, Đống Đa, Hàm Nghi và Bãi Dâu. Giải được thi đấu theo thể thức bóng đá truyền thống 11 người, các đội thi đấu vòng tròn tính điểm.
“Những buổi chiều diễn ra các trận đấu của giải, khán giả đứng kín cả 3 mặt sân để cổ vũ. Có những khán giả là các bác, các chú xích lô, xe thồ và cả khách vãng lai đứng ngoài đường Ngô Quyền để xem các trận đấu. Tất cả các cầu thủ của 4 đội bóng đều thi đấu hết mình, hừng hực khí thế và các trận đấu đều rất kịch tính bởi vì thể lực cũng như kỹ thuật của các đội đều tương đương nhau...”.
Với tư cách là đội chủ nhà, trong 3 giải tứ hùng liên tiếp các năm 2007, 2008, 2009, FC Quốc Học đều giành chức vô địch. “Chúng tôi đã giành chức vô địch một cách rất xứng đáng. Tất nhiên có những trận đấu chúng tôi cũng gặp thất bại. Nhưng đúng là lợi thế sân nhà là một yếu tố quan trọng để giúp FC Quốc Học đăng quang cả 3 giải tứ hùng liên tiếp...”, anh Châu Trường Phong nhớ lại...
Giải bóng đá tứ hùng chỉ được duy trì trong 3 năm, nhưng đó cũng là giải bóng đá phong trào được nhiều cầu thủ không chuyên của Huế nhớ mãi với những trận đấu hào hứng, đẹp mắt và quan trọng hơn là tinh thần giao lưu thể thao vô tư của bóng đá phong trào xứ Huế một thời...
Mãi mãi một tình yêu
Từ khi các sân cỏ nhân tạo ra đời ở Huế thì FC Quốc Học cũng chia tay với sân cỏ Trường THPT chuyên Quốc Học để thi đấu ở sân cỏ nhân tạo theo thể thức thi đấu 7 người. Hiện nay, FC Quốc Học vẫn duy trì thi đấu đều đặn những buổi chiều hàng ngày tại sân cỏ Trường THPT Chi Lăng, ở khu đô thị Đông Nam Thủy An.
Sau hơn 15 năm sinh hoạt, CLB cũng đã có nhiều thay đổi về lực lượng, nhưng những thành viên đầu tiên của FC Quốc Học như Phong, Dũng, Bin, Sơn... nay đã ngoài tuổi ngũ tuần vẫn xỏ giày ra sân trong mỗi buổi chiều. FC Quốc Học vẫn tham gia đầy đủ các giải bóng đá phong trào của tỉnh, thành phố.
Anh Châu Trường Phong nói rằng: “Chúng tôi luôn tự hào với cái tên FC Quốc Học. Đó là CLB bóng đá phong trào đầu tiên của Huế. Nơi đó, chúng tôi đã được rèn luyện sức khỏe, thỏa nỗi đam mê sân cỏ. Hơn thế nữa, những ai đã từng tham gia FC Quốc Học thì đều coi nhau là anh em, là người bạn trong cuộc sống. Và với chúng tôi, FC Quốc Học mãi mãi một tình yêu...”.
Bài: PHI TÂN - Ảnh: NVCC