Quang Hải với tuyệt phẩm “Cầu vồng tuyết” tại Thường Châu (Trung Quốc). Ảnh: VNN
Bàn thắng đẹp ở cách đồng đội dùng tay đào tuyết, dọn chỗ đặt trái bóng cho Hải; ở cách phối hợp và đường đi của trái bóng (cong lượn, thủ môn bay hết người chỉ càng tô điểm thêm sự hoàn hảo của đường bóng). Đẹp ở vị thế khi Việt Nam là đội yếu nhưng đã chơi rất đĩnh đạc. Nó còn đẹp ở cách ăn mừng; ở cái kết của trận đấu là cảm hứng của hàng triệu ước mơ Việt Nam. Sau cùng, là cảnh tuyết trời dày đặc, như một thước phim bom tấn vừa lãng mạn, vừa hùng tráng; giá trị hơn phim nhiều vì đây là đời, khoảnh khắc mà cả đời người may mắn lắm mới được tận hưởng một lần. Nó xứng đáng với danh xưng siêu phẩm “cầu vồng tuyết”.
So với nhiều đấu cấp châu lục, Giải vô địch bóng đá U23 châu Á còn quá non trẻ. Giải đấu lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2013 nhưng đã bị hoãn lại để tổ chức vào tháng 1/2014. Với chu kỳ 2 năm một lần, năm 2020 mới chỉ là lần thứ 3, giải đấu được tổ chức. Giải U23 châu Á 2018, Việt Nam lần đầu tiên tham dự và đã có ngay danh hiệu á quân. Đó cũng là giải đấu quốc tế đầu tiên của HLV Park Hang - seo, vừa đặt bút ký hợp đồng dẫn dắt đội tuyển quốc gia trước đó 2 tháng.
Khi mà các đội tuyển Quốc gia đang gặp rất nhiều khó khăn thì ngôi vị á quân U23 châu Á 2018 là một tín hiệu vui và là một sự khởi đầu tuyệt vời cho hàng loạt những chiến công của bóng đá Việt Nam 2 năm qua gắn liền với thương hiệu Park Hang - seo: Vô địch AFF cup 2018, tứ kết Cúp bóng đá châu Á 2019 và mới đây là chức vô địch bóng đá SEA Games 2019. Hai năm trước, Park Hang - seo và các học trò đến với U23 châu Á 2018 với vị thế của một kẻ yếu nhưng bất ngờ tiệm cận tới ngôi vua.
Cùng với ngôi vị á quân 2018, bóng đá U23 Việt Nam còn tự hào góp mặt ở 2 trong 5 trận đấu ấn tượng nhất giải U23 châu Á. Bên cạnh trận chung kết gặp Uzbekistan với siêu phẩm “cầu vồng tuyết” của Quang Hải, còn là trận hòa đầy kịch tính, loại đương kim vô địch U23 Iraq ở tứ kết. Trận chung kết lịch sử diễn ra giữa trời tuyết trắng Thường Châu. Quang Hải và các đồng đội kiên cường thi đấu dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong thế bị dẫn bàn trước. Để rồi, những nỗ lực không biết mệt mỏi của U23 Việt Nam được đền đáp xứng đáng, kết tinh trong siêu phẩm đá phạt đẳng cấp và giàu cảm xúc của Quang Hải.
Không còn Công Phượng, Xuân Trường và nhiều cái tên khác nữa trong giải đấu U23 châu Á 2020 trên đất nước Thái Lan tới đây nhưng vẫn còn đó Quang Hải, tác giả của “cầu vồng tuyết” ngày nào cùng hàng loạt những tên tuổi sáng giá vừa đoạt ngôi vua tại SEA Games 2019 vừa qua. Thái Lan không phải là xứ lạnh để ai đó mơ về một “cầu vồng tuyết” nữa, nhưng hãy nhớ rằng, thông qua chiến dịch Vòng chung kết U23 châu Á 2020 ở đây sẽ là chiếc vé dự Thế vận hội Tokyo 2020. Khi mà giấc mơ “ao làng” (khu vực Đông Nam Á) mãn nguyện, “sông lớn” (châu Á) cũng đã vươn tới dù chưa phải là ngôi cao thì đây là cơ hội để bóng đá Việt nuôi dưỡng khát vọng “biển cả” của mình.
ĐAN DUY