Ông Dũng (bìa trái, hàng trước) cùng những CĐV nhiệt thành của bóng đá Huế
Nhớ những ngày cuối tuần năm cũ, bỏ lại những bận bịu sau lưng để đến sân Tự Do xem đội bóng đá Huế thi đấu ở giải hạng Nhất. Gần như lúc nào cũng vậy, bước vô khán đài sân Tự Do tôi đã thấy bóng một cổ động viên quen thuộc, đó là ông Dũng “nổ”. Có lần vô sân mà không thấy Dũng “nổ” mô cả. Bấm điện thoại nghe cái giọng mệt mỏi: “Tau đau toàn thân, không lết tới sân được, tức quá!”. Vậy mà, khi kết thúc trận đấu, Huế giành chiến thắng là ngay lập tức điện thoại của tôi reo lên, đầu giây bên kia là tiếng nói quen thuộc của Dũng “nổ”: “Hôm nay mấy cháu đá được, tau thấy khỏe ra liền!”.
Đối với tôi, ông Dũng là cổ động viên đặc biệt của bóng đá Huế. Cầu thủ Huế từ thế hệ đầu những năm 1980 đến giờ gần như ông ấy quen thân hết cả. Nhà ở gần sân Tự Do, chỉ cần đi bộ là tới sân nên hầu như buổi tập nào của đội bóng đá Huế cũng có mặt cổ động viên này trên khán đài theo dõi từng bước chạy của những cầu thủ. Rồi các cầu thủ tây đến chơi tại đội bóng đá Huế đều quen với ông Dũng, được ông dạy nói tiếng Việt, mà lại toàn tiếng lóng “xứ mệ” mới độc đáo.
Tên khai sinh của ông là Nguyễn Đại Dũng, nhưng ở Huế chẳng mấy ai biết đầy đủ họ tên ông mà chỉ gọi theo biệt danh là Dũng “nổ”... Còn Dũng “nổ” thì luôn tự hào nhận mình là cổ động viên thân tình nhất của bóng đá Huế. Cầu thủ Huế từ thế hệ đá giải Trường Sơn hồi mới giải phóng cho đến bây giờ ông Dũng thuộc vanh vách không thiếu một ai, từ Rớt, Thọ, Huế, Sao, Tùy đến Đức Tuấn , Công Quốc, Quang Sang, Sỹ Hùng, Đình Nghĩa... hay cả những cầu thủ Huế thế hệ sau này bằng tuổi cháu ông và đều gọi ông bằng cái tên thân thuộc “ôn Dũng”...
Thỉnh thoảng, ông Dũng xem lại album ảnh bóng đá Huế để ôn lại những buồn vui sân cỏ
Hồi Huế đá vòng chung kết Giải vô địch Quốc gia năm 1995 ở TP. Hồ Chí Minh, Dũng “nổ” cùng một người bạn là dân xích lô chính cống của Huế - Hùng “hai xị” - đã vô Sài Gòn ăn dầm ở dề cùng đội bóng và cổ vũ cho những cầu thủ quê hương. Ông kể: “Đội bóng ở khách sạn Công Đoàn, tui là cổ động viên không có chỗ nên xin ngủ ở hành lang khách sạn. Hết tiền thì đi loanh quanh nhờ bà con đồng hương kiếm vài bữa cơm. Rứa mà vui, vì năm đó mấy thằng em đá sướng quá trời!”.
Kết thúc giải năm đó, khi Huế giành vinh quang với chức á quân quốc gia thì Dũng “nổ” chỉ còn lại một bộ đồ trên người. Bây giờ, trong chiếc tủ lưu niệm của ông ngoài một số kỷ vật của các cầu thủ tặng như mấy quả bóng, áo cầu thủ... thì vẫn còn chiếc quần đùi và chiếc dép kỷ niệm. Ông kể: “Đáng ra có chiếc áo cổ động viên do phóng viên Thanh Loan của Báo Thể thao TP. Hồ Chí Minh tặng nữa, tiếc là cơn lụt năm 1999 làm trôi mất”.
Cuộc đời yêu bóng đá của Dũng “nổ” có hai sự kiện mà ông cho là đặc biệt nhất, đó là hai trận Huế đá play-off trên sân Vinh và sân Thiên Trường. “Đây là hai khoảnh khắc không thể nào quên, một địa ngục, một thiên đường - ông Dũng nhớ lại. Trận play-off trên sân Vinh khi Huế bị thủng lưới là tui gục tại chỗ luôn, may mà có mấy anh em cổ động viên mang đi cấp cứu kịp. Còn trận gặp Hải Phòng tui đau nằm bệnh viện, phải nhờ anh em cõng tới xe để ra Nam Định cổ vũ. May mà bữa đó Huế thắng, rứa là người đang mệt bỗng nhiên khỏe hẳn luôn!”.
Không chỉ các thế hệ cầu thủ Huế mà những cổ động viên trung thành của bóng đá Cố đô hầu như ai cũng biết Dũng “nổ”. Niềm vui của ông là những buổi chiều đội bóng tập luyện ông cũng ra sân ngồi ngắm nghía. Điều mà ai cũng công nhận là ông Dũng “nổ” rất thương anh em cầu thủ, ông kể: “Tui nói với mấy em, nếu có xuống hạng 3 đi nữa thì cũng còn tau ủng hộ”. Hay mới đây, khi cầu thủ Hồ Thanh Minh ghi bàn cho đội tuyển U22 Quốc gia trong một trận đấu giao hữu được phát trực tiếp trên ti -vi, ngay lập tức tôi nhận được điện thoại của Dũng “nổ”: “Thấy cầu thủ Huế của mình chưa, quá giỏi!”.
Bài: PHI TÂN - Ảnh: NVCC